(VLO) Nghệ thuật múa Khmer là sản phẩm tinh thần độc đáo không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, đám tiệc, đám phước của đồng bào Khmer. Bằng nhiệt huyết và tình yêu đặc biệt dành cho môn nghệ thuật múa truyền thống của dân tộc, chị Thạch Thị Ni Ta (Tổ trưởng Tổ ca múa dân tộc Khmer- Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long) không ngại khó khăn đến các thôn xóm truyền dạy, góp phần lan tỏa niềm đam mê, giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình đến nhiều bạn trẻ.
Các động tác múa là sự kết hợp hài hòa giữa tay- chân và cả nét mặt. |
Sinh ra và lớn lên ở xã Trà Côn, huyện Trà Ôn- nơi có khá đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nên từ khi còn nhỏ chị Ni Ta đã có dịp được tiếp xúc với các điệu múa của đồng bào mình thông qua các dịp lễ, tết truyền thống hay nghi thức mừng nhà mới, đám cưới.
Đam mê và có năng khiếu từ sớm nên chị Ni Ta dễ dàng tập luyện được các động tác múa dân gian, dù là tự học. Tuy nhiên, để có thể nuôi dưỡng và gắn bó lâu dài với bộ môn nghệ thuật này cần phải có điều kiện học tập bài bản, vậy là chị quyết tâm thi đậu vào Trường ĐH Trà Vinh với chuyên ngành múa dân tộc.
Sau thời gian học tập chăm chỉ, chị bén duyên rồi làm việc tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Và hiện là tổ trưởng tổ ca múa dân
tộc Khmer.
“Trong quá trình làm việc tôi nhận thấy ngày càng có ít thanh thiếu nhi dân tộc Khmer biết đến nghệ thuật múa truyền thống. Từ đó, tôi mạnh dạn đề xuất mở các lớp múa nghệ thuật ở những huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống như Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm”- chị bộc bạch.
Vậy là từ năm 2018 đến nay, cứ vào mỗi cuối tuần chị Ni Ta lại tranh thủ thời gian luân phiên để đến truyền dạy cho các em nhỏ.
“Các lớp học có những em mới tham gia tập được vài ngày nhưng cũng có những em tập được gần 2 năm. Những em mới, sẽ cho tập những động tác cơ bản, khi nào tập múa nhuần nhuyễn thì cho tập nâng cao”- chị nói thêm.
Em Thạch Minh Nhật (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn), một trong những học viên tham gia tập luyện được gần 1 năm nay và đã đi biểu diễn phục vụ tại các chùa trong dịp lễ, Tết phấn khởi cho biết: “Lúc nhỏ, em thường xem múa hát ở chùa, trong các dịp lễ hội và xem trên kênh YouTube, càng xem em cảm thấy càng thích thú, đến khi có mở lớp dạy múa, em đến đăng ký học.
Ban đầu làm quen với những động tác múa cơ bản, giờ em không chỉ biết múa dân gian mà còn múa được một số bài múa sân khấu cung đình như: Ro băm chúc mừng… Vui nhất là em cùng bạn bè vào đội múa được đi biểu diễn phục vụ vào dịp lễ, hội”.
Các em nhỏ đến học múa và xem múa thường rất đông, qua đó lan tỏa và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. |
Cùng chung niềm đam mê văn nghệ, em Thạch Thị Hồng Thắm vui mừng nói: “Ở nhà em mẹ em cũng biết múa nhưng để chỉ dạy cũng rất khó.
May mắn có cô Ni Ta đến dạy cho tụi em. Cô dạy rất hay, cô sửa và chỉ dẫn từng chút một. Nhờ cô mà em biết múa nhiều điệu múa để sau này có thể đi biểu diễn cũng như tiếp tục dạy lại cho các em nhỏ trong xóm”.
Tính đến nay, chị Ni Ta đã mở được 4 lớp dạy múa và 2 đội văn nghệ với hơn 100 em nhỏ tham gia.
Theo ông Lê Hoàng Nam- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, chị Thạch Thị Ni Ta luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đặc biệt vào những ngày cuối tuần chị lại vượt quãng đường khá xa 40-50km về các vùng quê để “truyền lửa” đam mê, giữ gìn nghệ thuật văn hóa dân tộc đến với các em nhỏ.
“Bản thân chị Ni Ta là một diễn viên múa đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác nghệ thuật của tỉnh Vĩnh Long, xuất sắc nhận được nhiều giải thưởng từ tỉnh đến Trung ương.
Gần đây nhất, trong Liên hoan Văn nghệ quần chúng 2023 và Ngày hội Văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ, chị Ni Ta cũng đã vận động và huy động được các lực lượng diễn viên, trong đó có các em thiếu nhi Khmer tham dự đã đạt được các kết quả rất khả quan”- ông Hoàng Nam chia sẻ thêm.
Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2023, trung tâm cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để chị Ni Ta mở các lớp dạy múa cho các em nhỏ vào dịp cuối tuần.
Đồng thời, thành lập thêm 6 đội nghệ thuật quần chúng Khmer tại các huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống để tạo sân chơi lành mạnh và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho các em nhỏ.
Một số giải thưởng chị Thạch Thị Ni Ta gặt hái được
1. HCV tiết mục “Nghi thức lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer” trong Hội thi Tuyên truyền lưu động toàn quốc “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tại Bà Rịa-Vũng Tàu (11/2020).
2. HCĐ tiết mục múa “Tình đất” tại Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2020” tại Thừa Thiên Huế (12/2020).
3. Được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tặng bằng khen cá nhân “Đã có thành tích đạt giải các hội thi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc năm 2020” (3/2021).
4. Đạt giải B trình diễn trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống tại Ngày hội Văn hóa- thể thao- du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII, năm 2022 tổ chức ở Sóc Trăng.
5. Đạt 1 giải A, 2 giải B, 1 giải C tại Liên hoan Văn nghệ quần chúng đồng bào Khmer cùng nhiều giải thưởng khác.
|
Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGỌC LIỄU