Phát triển thị trường carbon là chìa khóa để Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0, tuy nhiên cần thận trọng khi bán tín chỉ carbon, theo Cục trưởng Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường.
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng thị trường carbon với mục tiêu năm 2025 sẽ thử nghiệm để sớm đưa vào vận hành sàn giao dịch. VnExpress phỏng vấn ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để làm rõ tiến độ, thời cơ, thách thức của thị trường này.
– Ông đánh giá thế nào về tiềm năng tín chỉ carbon (CO2) của Việt Nam?
– Ở nước ta, việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được doanh nghiệp thực hiện từ những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Đến nay, đã có hơn 300 chương trình đăng ký, trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới, là một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ.
Riêng tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo cơ chế CDM, Việt Nam hiện đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ. Các dự án đã được cấp tín chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Tiềm năng tín chỉ carbon của chúng ta khá lớn, đơn cử từ rừng với hơn 14,7 triệu ha rừng, độ che phủ 42%, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Các chuyên gia lâm nghiệp lượng hóa với diện tích này, rừng hấp thụ gần 60 triệu tấn CO2 mỗi năm. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ lượng hấp thụ CO2 tăng thêm so với mức hấp thụ tham chiếu (hay mức cơ sở) mới có thể được quy đổi thành tín chỉ, không phải toàn bộ 60 triệu tấn CO2 mỗi năm được quy đổi.
– Việc triển khai thị trường carbon đóng góp vai trò như thế nào đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam?
– Trước tiên phải khẳng định phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam cam kết tại COP26 năm 2021 là mục tiêu rất tham vọng và thách thức. Tuy nhiên, chúng ta đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện cam kết này mà việc xây dựng thị trường carbon là chìa khóa.
Thị trường carbon được xây dựng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp. Thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cụ thể giảm phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý chất thải và các quá trình công nghiệp; giao chỉ tiêu hấp thụ khí nhà kính cho lĩnh vực lâm nghiệp.
Song song với nỗ lực tự thực hiện của quốc gia, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của quốc tế thông qua các hợp tác song phương, đa phương để triển khai hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Khi nhận hỗ trợ của quốc tế, có thể chúng ta cần phải chia sẻ quyền sở hữu tín chỉ carbon thu được. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý tín chỉ, bao gồm tỷ lệ phân chia tín chỉ đạt được từ thực hiện chương trình, dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.
– Tiến độ triển khai sàn giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon đang được triển khai như thế nào khi năm 2025 đang đến gần?
– Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai công việc này. Có thể kể đến một số quy định đang được gấp rút xây dựng như: Quản lý nhà nước đối với tín chỉ carbon; đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; sử dụng tín chỉ để bù trừ phát thải khí nhà kính; cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon; quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực thuộc danh mục lĩnh vực phải kiểm kê.
Cùng với đó các cơ quan chuyên môn đang tổng hợp thông tin, dữ liệu về phát thải khí nhà kính để tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải cũng như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thị trường carbon cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng tại địa phương trên cả nước.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ carbon được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại tín chỉ carbon, lượng tín chỉ đang sở hữu và thông tin cần thiết khác.
– Một số chuyên gia cho rằng bán hết tín chỉ carbon với mức giá 2-50 USD như hiện nay thì có thể sau này Việt Nam sẽ phải mua lại với giá đắt hơn. Ông suy nghĩ gì về việc này?
– Thời gian qua, một số tổ chức quốc tế mong muốn mua tín chỉ carbon hay kết quả giảm phát thải khí nhà kính được công nhận, đặc biệt là lượng hấp thụ carbon từ rừng tự nhiên tại Việt Nam. Việc bán tín chỉ carbon rừng sẽ góp phần tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững; góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng.
Tuy nhiên, vai trò của lĩnh vực lâm nghiệp rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2030 cũng như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, các địa phương có rừng cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tỷ lệ đóng góp về lượng hấp thụ khí nhà kính từ rừng trên địa bàn để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia trước khi bán ra ngoài.
Bên cạnh đó, tín chỉ carbon là hàng hóa có thời hạn sử dụng, giá tín chỉ phụ thuộc vào loại hình dự án tạo ra tín chỉ đó nên xác định bán hay giữ cần thận trọng, cân nhắc nhiều yếu tố để đảm bảo hiệu quả nhất.
– Thách thức lớn nhất khi triển khai thị trường carbon là gì?
– Việt Nam được xác định có tiềm năng thực hiện các biện pháp giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính từ đó tạo tín chỉ carbon. Tuy nhiên, để thực hiện các biện pháp này Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ của quốc tế qua việc đầu tư tài chính, công nghệ; đồng thời cần nâng cao chất lượng kiểm kê khí nhà kính và thẩm định giảm phát thải. Hiện nay, trong quá trình triển khai thực tiễn có nhiều thách thức, tập trung vào việc quy định hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, đầy đủ; nguồn nhân lực trong cả khối công và tư cho các hoạt động này đều thiếu và chưa có kinh nghiệm.
Trên thực tế, các quốc gia phát triển đều đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và họ cũng xác định để đạt được sẽ cần bù đắp bằng tín chỉ carbon từ các quốc gia khác. Do đó, chúng ta phải xác định để nhận được tài chính, công nghệ thực hiện các biện pháp giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính thì sẽ phải chia sẻ quyền sở hữu tín chỉ carbon thu được để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bên cạnh đó, để có thể tạo ra được tín chỉ carbon và cạnh tranh được trên thị trường, các dự án phải đáp ứng theo tiêu chuẩn của các cơ chế, phải áp dụng theo đúng phương pháp luận, áp dụng biện pháp đo đạc giám sát dữ liệu theo quy định và đặc biệt phải chứng minh dự án đã giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính, có tính bổ sung, được thẩm định bởi đơn vị độc lập được cấp phép. Các doanh nghiệp phải trả chi phí cao để thuê đơn vị thẩm định.
Trong ngắn hạn chúng ta có thể hạn chế rủi ro thông qua thực hiện các dự án thí điểm để có thêm kinh nghiệm xây dựng chính sách quản lý tín chỉ – loại hàng hóa mới mà quy định quốc tế có sự thay đổi liên tục, các nhà đầu tư cũng có thêm kinh nghiệm và sự tự tin khi thực hiện các dự án giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.
Tín chỉ CO2 (tín chỉ carbon) là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác tương đương. Phương thức mua bán được hiểu là một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn thì có thể mua lại 2 tấn tín chỉ từ công ty tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn. Điều này được xác nhận bởi một bên thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.