Tính đến nay, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Việc Bộ Chính trị dành riêng một nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển VHNT trước yêu cầu mới đã thể hiện mạnh mẽ sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của nền văn hóa nước nhà.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ trao đổi với các đại biểu tại hội nghị tập huấn về nâng cao nhận thức; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý VHNT trong tình hình mới. |
Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương về những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và phương hướng trong thời gian tới liên quan đến lĩnh vực này.
* Phó giáo sư có thể cho biết những kết quả đạt được của VHNT nước nhà kể từ khi có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị?
– Thực tiễn đời sống VHNT nước nhà trong 15 năm qua diễn ra rất sôi động, có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực đáng trân trọng. Những khó khăn, trở ngại từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho VHNT Việt Nam phát triển, hòa nhập sâu hơn với thế giới.
Về kết quả thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 23-NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từng bước quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng và phát huy các giá trị chân – thiện – mỹ trong đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt đề án Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, báo chí ở trung ương và các hội VHNT địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các hội nhà báo địa phương. Đảng, Nhà nước vinh danh các văn nghệ sĩ tài năng, có cống hiến cho đất nước. Hoạt động hỗ trợ sáng tạo được quan tâm, nhiều hình thức phong phú.
Nghị quyết 23-NQ/TW ra đời giúp cấp ủy các cấp nhận thức rõ và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của VHNT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là động lực to lớn góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của văn hóa, con người Việt Nam.
Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về VHNT giữa Việt Nam và các nước láng giềng, các nước trong khu vực và bạn bè quốc tế cũng có nhiều khởi sắc theo hướng hiệu quả và thực chất hơn…
* Bên cạnh những kết quả, thành tựu, như phó giáo sư nói vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này. Cụ thể thế nào?
– Đó là có sự chuyển biến nhưng chưa thật cơ bản về nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của VHNT trong đời sống của đất nước; chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác, phổ biến, lưu giữ tác phẩm; sự gia tăng của xu hướng giải trí đơn thuần trong sáng tác, quảng bá VHNT. Một số văn nghệ sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng nhưng lại có những phát ngôn, lối sống thiếu chuẩn mực, gây ảnh hưởng tiêu cực tới công chúng, nhất là giới trẻ.
Việc xây dựng kế hoạch và triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW ở một số cấp ủy, các bộ, ban ngành, địa phương, đơn vị còn chậm; một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung Nghị quyết 23-NQ/TW chưa thường xuyên, liên tục, sâu sắc.
Chúng ta cũng chưa có chính sách đột phá trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ văn nghệ sĩ tài năng; chưa thu hút được người có năng lực vào các cơ quan tham mưu, cơ quan VHNT.
Quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; đầu tư kinh phí cho lĩnh vực VHNT chưa đúng tầm, đúng mức. Việc thực hiện chính sách tôn vinh, trao giải thưởng, khen thưởng, hỗ trợ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập.
Hoạt động sáng tạo VHNT tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước; chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, quan tâm rộng rãi của công chúng và có sức lan tỏa. Vai trò dẫn dắt của các kênh quảng bá truyền thống, chủ lực bị thu hẹp. Thị hiếu thấm mỹ của công chúng tiếp tục phân hóa sâu sắc, đáng lo ngại. Nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT chưa thực hiện tốt chức năng đánh giá, hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác cũng như định hướng tiếp nhận.
Mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của các hội VHNT tuy có đổi mới nhưng chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, tài năng trẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức…
* Đâu là nguyên nhân của những bất cập, yếu kém, thưa phó giáo sư?
– Sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền thể hiện bằng quan điểm, chủ trương, chính sách cho VHNT chưa đúng tầm và đúng mức. Một số vấn đề cốt lõi và mới đặt ra trong lĩnh vực này chưa được lý giải thấu đáo, thiếu thống nhất. Công tác tổng kết thực tiễn chưa theo kịp sự phát triển, vì thế có lúc còn lúng túng, thiếu những quyết sách cơ bản, chủ động; có biểu hiện vừa buông lỏng, hữu khuynh, vừa áp đặt, chủ quan, thiếu tầm nhìn xa. Chủ trương tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển VHNT, nền tảng tinh thần của xã hội chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Một số cấp ủy, chính quyền chưa coi trọng và nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tính đặc thù của VHNT, chậm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng. Chính sách đầu tư cho văn hóa, VHNT chưa tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và kém hiệu quả…
* Thưa phó giáo sư, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương và giải pháp tiếp tục xây dựng, phát triển VHNT trong thời kỳ mới là gì?
– Mục tiêu đặt ra là tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân – thiện – mỹ của các tầng lớp nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với Nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển mạnh mẽ, bền vững của VHNT trong thời kỳ mới.
Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân – thiện – mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. VHNT Việt Nam thời kỳ mới phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Tài năng VHNT và vốn quý của dân tộc.
Về chủ trương và các giải pháp, Đảng ta yêu cầu tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của VHNT. Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của người dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa, độc hại đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về VHNT. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực VHNT; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động VHNT, như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp…
* Xin cảm ơn phó giáo sư!
Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng đối với VHNT; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của VHNT cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp quản lý lĩnh vực này. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, VHNT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển, của từng địa phương, đơn vị. |
TRẦN QUỚI (thực hiện)