STO – Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: “Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý) chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Tỉnh đã làm việc và thống nhất chủ trương với Trường Đại học Cần Thơ để trình cấp có thẩm quyền thành lập phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng. Nhằm cung cấp thêm thông tin về Đề án thành lập phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng, Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ về vấn đề này.
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh do Trường Đại học Cần Thơ cung cấp
Phóng viên: Cảm ơn GS.TS Hà Thanh Toàn đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này! Xin GS cho biết đôi nét về Trường Đại học Cần Thơ và những chủ trương của Trường Đại học Cần Thơ trong việc thành lập phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng?
GS.TS Hà Thanh Toàn: Trường Đại học Cần Thơ được thành lập ngày 31/3/1966, là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực và là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trọng điểm của Nhà nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng và quốc gia. Trong suốt 57 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Cần Thơ đã không ngừng hoàn thiện mọi mặt, từ một số ngành đào tạo ban đầu, đến nay, đào tạo 98 chuyên ngành đại học (trong đó có 2 chương trình đào tạo tiên tiến, 8 chương trình đào tạo chất lượng cao), 53 chuyên ngành cao học (trong đó 1 ngành liên kết với nước ngoài, 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), 21 chuyên ngành nghiên cứu sinh. Song song với công tác đào tạo, trường đã tham gia tích cực các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa và xã hội của vùng.
Với tầm nhìn và sứ mệnh trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học được ghi nhận trong khu vực và thế giới; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia, có đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của vùng và của quốc gia, Trường Đại học Cần Thơ là nhân tố động lực có ảnh hưởng quyết định cho sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tòa nhà công nghệ cao Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh do Trường Đại học Cần Thơ cung cấp
Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, của tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, ngày 14/1/2022, Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐT Phê duyệt chủ trương thành lập 2 phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Đề án thành lập phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng (sau đây gọi tắt là Phân hiệu) tọa lạc tại số 400, đường Lê Hồng Phong, khóm 5, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng trên cơ sở tiếp nhận cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng. Để có cơ sở của việc thành lập phân hiệu, trước đó Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng đã có Thông báo số 113-TB/TU, ngày 22/4/2021 về Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng tại buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ và Công văn số 655/UBND-KT, ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng về triển khai thực hiện Thông báo số 113-TB/TU của Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Phóng viên: Xin GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết những dự kiến hoạt động của Phân hiệu?
GS.TS Hà Thanh Toàn: Việc thành lập Phân hiệu sẽ rút ngắn thời gian, giảm chi phí đầu tư nguồn lực. Đây là mô hình vừa phù hợp với năng lực của Trường Đại học Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng vừa đúng với quy định của pháp luật. Phân hiệu sẽ tạo cơ hội học tập cho con em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với đa dạng ngành và chuyên ngành đào tạo, cấp bậc đào tạo, phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Sóc Trăng và vùng lân cận. Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng chiến lược phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phù hợp và định hướng phát triển của địa phương về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chế biến, kỹ thuật công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phân hiệu là cơ sở giáo dục đại học mạnh trong nước và thế giới.
Phạm vi hoạt động gồm: Hợp tác toàn diện với tỉnh Sóc Trăng trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; triển khai các nhiệm vụ đặt hàng của địa phương. Tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Phân hiệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Đa dạng hóa hoạt động đào tạo đáp ứng yêu cầu của địa phương như đào tạo ngắn hạn, đào tạo nghề, chuẩn hóa giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ bậc trung học phổ thông. Xây dựng giải pháp xã hội học tập, học tập suốt đời và hỗ trợ ngành giáo dục địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong công nghiệp, nông nghiệp nhằm tăng giá trị, tạo ra sản phẩm mới mang tính cạnh tranh. Hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Không gian sáng chế; phòng thí nghiệm, thực hành; trung tâm nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Ảnh do Trường Đại học Cần Thơ cung cấp
Phân hiệu có chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Theo đó, dự kiến kế hoạch đào tạo của phân hiệu gồm: đào tạo ngắn hạn ở các lĩnh vực (ngoại ngữ, tin học, thủy sản, kỹ thuật công nghệ,…). Đào tạo ngoài chính quy (vừa làm vừa học, từ xa, liên thông). Đào tạo chính quy trình độ đại học với 18 ngành, phù hợp với điều kiện phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh lân cận; với quy mô từ 500 – 2.600 sinh viên theo từng năm. Đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ với 25 ngành ở các lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), đến công nghiệp – xây dựng và các ngành thuộc lĩnh vực giáo dục. Quy mô đào tạo ở bậc sau đại học dự kiến từ 460 – 600 chỉ tiêu/năm. Ngoài ra, Phân hiệu cũng dự kiến đào tạo chương trình giáo dục phổ thông với mô hình trường phổ thông trực thuộc trường sư phạm.
Với số lượng trên 1.000 giảng viên có học hàm, học vị từ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, Trường Đại học Cần Thơ sẽ luân phiên phân công tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại phân hiệu Sóc Trăng nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.
Về cơ sở vật chất phải đáp ứng điều kiện chất lượng cao. Cơ sở vật chất của Phân hiệu đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT, ngày 23/9/2015 Quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học. Điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập, nghiên cứu và sinh hoạt được đầu tư đồng bộ và chuẩn mực. Cơ sở vật chất được quản lý và sử dụng đúng mục đích, sử dụng chung cho tất cả các hoạt động của Phân hiệu. Khi chính thức hoạt động, Phân hiệu sẽ có khu để thực hành, thực nghiệm và triển khai thử nghiệm các chương trình/dự án nghiên cứu. Đây cũng là nơi hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong thực hiện các nhiệm vụ đặt hàng về khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Phóng viên: Xin GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết thêm về những giải pháp, mục tiêu và đề xuất của Trường Đại học Cần Thơ để sớm đưa Phân hiệu đi vào hoạt động?
GS.TS Hà Thanh Toàn: Trường Đại học Cần Thơ sẽ tiếp nhận bàn giao cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng, chịu trách nhiệm quản lý tài sản và báo cáo tiếp nhận tài sản theo quy định hiện hành. Nhà trường quản lý và sử dụng đúng mục đích cho hoạt động của Phân hiệu. Phân hiệu sẽ đi vào hoạt động với các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo nghề. Đối với các lớp đào tạo sau đại học theo phương thức đặt hàng của Tỉnh thì sẽ triển khai sớm hơn. Đào tạo chính quy trình độ đại học khi hoàn thành việc cải tạo cơ sở vật chất, quy trình quản lý, các điều kiện đảm bảo chất lượng thì sẽ triển khai. Đặc biệt, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng cần xem xét việc đặt hàng các ngành đào tạo và số lượng chỉ tiêu đặt hàng tối thiểu 60% tổng chỉ tiêu từng ngành thì mới đủ điều kiện mở lớp cho những năm đầu. Phân hiệu sẽ tiếp nhận đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ của tỉnh; đồng thời là đầu mối tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp, chuyên gia đến tỉnh Sóc Trăng.
Lễ trao bằng tiến sĩ và thạc sĩ năm học 2021 – 2022. Ảnh do Trường Đại học Cần Thơ cung cấp
Với mục tiêu tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, chú trọng phát triển bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc tăng cường tuyển sinh và đào tạo theo hình thức cử tuyển, xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng đối với tỉnh Sóc Trăng là cần thiết. Bên cạnh những cơ sở giáo dục đại học trong khu vực có đủ năng lực đào tạo, sự liên kết và hỗ trợ đào tạo của các cơ sở uy tín trong nước là một trong những giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Trường Đại học Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Sóc Trăng xem xét tạo điều kiện để Trường Đại học Cần Thơ sớm thành lập Phân hiệu. Việc thành lập Phân hiệu sẽ tạo thuận lợi để Trường góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trong đó có tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn GS.TS Hà Thanh Toàn!
TRỌNG NHÂN (Thực hiện)