(VLO) Bến phà An Bình nối các xã cù lao huyện Long Hồ với TP Vĩnh Long, là bến phà chính kết nối giao thương không chỉ vận chuyển hàng hóa, nông sản mà còn đón khách du lịch nên lưu lượng người qua lại khá đông.
Xe ô tô vẫn lên phà, dù có biển cấm.Ảnh chụp sáng 7/8 |
Tuy nhiên, việc giữ trật tự an toàn trên bến, dưới phà cũng như các điều kiện an toàn khác chưa được quan tâm.
Khi phà vừa cập bến, phương tiện dưới phà chưa lên hết, thì trên bến, xe máy chực chờ chen chúc lao xuống bất chấp nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.
Trên các chuyến phà thường xuyên đầy ắp người cùng phương tiện. Nhiều trường hợp người và xe phải đứng ở mỏ bàn phà, bất chấp nguy hiểm, nhất là trong giờ tan tầm, lưu lượng người và phương tiện xe cộ từ bờ Vĩnh Long qua phà An Bình về các xã cù lao khá đông. Có đến 3 phà hoạt động cùng lúc mới kịp đáp ứng nhu cầu qua lại.
Đoạn sông Cổ Chiên khu vực bến phà khá rộng, lòng sông sâu, nước chảy xiết. Được biết, hàng ngày bến phà này đưa rước hàng chục ngàn lượt khách qua lại, trong khi việc giữ trật tự an toàn trên bến, dưới phà chưa được quan tâm.
Không kéo rào chắn ở mỏ bàn phà nguy hiểm cho cả người và phương tiện. |
Theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, hành khách khi tham gia giao thông tại bến khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình. Tuy nhiên, thực tế trên phà có trang bị dụng cụ nổi, nhưng hành khách thường không tuân thủ theo đúng quy định.
Điều đặc biệt, bến khách ngang sông TP Vĩnh Long- An Bình không đủ điều kiện lên xuống xe ô tô, nhưng hàng ngày xe ô tô vẫn qua lại lên xuống bến. Cơ quan chức năng đã nhắc nhở chủ phương tiện không chở ô tô vượt sông. Tại đây cũng đã có biển báo cấm ô tô, nhưng phương tiện vẫn lên xuống phà như… không có gì.
Mùa mưa bão bắt đầu, vấn đề an toàn trên qua lại bến phà đặt ra cấp bách. Qua đây, mong rằng ngành chức năng, ban quản lý bến phà cần quan tâm, có những giải pháp chấn chỉnh để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi qua lại.
Bài, ảnh: HẠNH UYÊN