Vàng có tuần tồi tệ nhất gần 2 tháng
Giá vàng hôm thứ Sáu đang trên đà có tuần tồi tệ nhất trong bảy tuần, bị ảnh hưởng bởi đồng đô la mạnh hơn và lợi suất trái phiếu tăng cao khi các nhà đầu tư xem xét các con số lạm phát mới nhất của Mỹ và chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế vào cuối ngày.
Giá vàng giao ngay chỉ tăng 0,05% lên 1.912,9246 USD/ounce sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 7 tháng 7 trước đó. Hợp đồng tương lai vàng Mỹ nhích xuống 0,18% xuống còn 1.945,4 USD.
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng thỏi đã giảm khoảng 1,2% do chỉ số đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn đang trên đà tăng tuần thứ tư liên tiếp.
“Các nhà đầu tư đã tham gia ở mức thấp của những năm 1900 này và họ là người mua, nhưng khi vàng mạnh lên, họ cũng là người bán”, Philip Newman, Giám đốc điều hành của Metal Focus cho biết.
Dữ liệu vào thứ Năm cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng vừa phải trong tháng 7, với mức tăng lạm phát cơ bản hàng năm nhỏ nhất trong gần hai năm, làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ngân hàng FED San Francisco Mary Daly nói rằng cần có nhiều tiến bộ hơn trước khi bà cảm thấy thoải mái rằng FED đã làm đủ để kiềm chế lạm phát.
Giờ đây, trọng tâm chuyển sang dữ liệu về giá sản xuất và tâm lý người tiêu dùng của Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày.
Newman nói thêm: “Các nhà đầu tư rất tập trung vào yếu tố kỳ vọng của lãi suất, trái ngược với mức thực tế của chúng, bởi vì thông điệp nhất quán của FED rằng họ sẽ không hạ lãi suất và bất kỳ đợt giảm lãi suất nào đã được đẩy lùi sang năm 2024”.
Lãi suất tăng có xu hướng làm tăng lợi suất trái phiếu và cũng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không mang lại lợi suất.
Bạc giao ngay tăng 0,03% lên 22,6878 USD/ounce và bạch kim tăng 0,52% lên 911,3083 USD.
Palladi tăng 0,35% lên 1.291,0424 USD, đánh dấu tuần tốt nhất kể từ giữa tháng Sáu.
Vàng SJC “thờ ơ” trước sự sụt giảm của vàng thế giới
Trong khi giá vàng thế giới liên tục giảm sâu và ghi nhận tuần tồi tệ nhất gần 2 tháng thì giá vàng SJC lại khá “thờ ơ”, vẫn tiếp tục đi lên khiến khoảng cách giữa hai mức giá ngày càng được nới rộng hơn.
Trong sáng 12/8, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức: 66,85 triệu đồng/lượng – 67,48 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Còn so với cuối tuần trước, giá vàng SJC đã tăng 180.000 đồng/lượng (tương đương 0,27%) chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng chiều bán ra (tương đương 0,37%).
Dù giá vàng SJC tăng nhưng nếu mua ở cuối tuần trước và bán ra trong cuối tuần này nhà đầu tư vẫn lỗ khoảng 350.000 đồng/lượng. Nguyên nhân là mức chênh giữa giá mua vào và bán ra vàng SJC vẫn khá cao, đạt 630.000 đồng/lượng.
Các công ty vàng bạc khác cũng có diễn biến tương tự về giá vàng SJC.
Đóng cửa tuần, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC và Tập đoàn Doji cùng được niêm yết ở mức: 66,80 triệu đồng/lượng – 67,50 triệu đồng/lượng, tăng đáng kể so với cuối tuần trước.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ có mức giá bán ra vàng SJC thấp nhất thị trường, chỉ là 67,30 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá mua vào vàng SJC tại PNJ là 66,75 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng phi SJC đã hạ nhiệt sau chuỗi ngày dài “nóng” hơn giá vàng SJC. Tuần này, vàng phi SJC đồng hành cùng vàng thế giới khi giảm nhẹ.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long trao đổi ở mức: 56,11 triệu đồng/lượng – 56,96 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng ở cả hai chiều chiều mua vào và bán ra.
Tại Công ty PNJ, giá vàng PNJ chốt tuần ở mức: 56 triệu đồng/lượng – 57 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy, ở thị trường trong nước, hiện tại, bất luận giá vàng tăng hay giảm, nhà đầu tư cứ mua vào là… lỗ.