Sau ngày 30/8/1954, Hiệp định Genève có hiệu lực. Ban cán sự miền Tây trực thuộc Khu ủy 5 ra đời. Khu ủy điều Đỗ Thế Chấp – Mười Chấp và Nguyễn Bốn – Bốn Quảng của Quảng Nam (sau bổ sung Hai Truy) vào Đường dây của Liên Khu ủy 5. Tỉnh ủy phân công Ngô Xuân Hạ phụ trách Đường dây – Giao thông liên lạc của tỉnh, với nhiệm vụ tổ chức đưa cán bộ di chuyển, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Trương Quang Giao – Bí thư Khu ủy 5.
1. Tỉnh ủy phân công Ngô Xuân Hạ làm Ủy viên Ban Cán sự Liên Huyện ủy Duy Xuyên – Thăng Bình – Quế Sơn và Hội An. Đầu năm 1955, ông Hạ nhận thêm trọng trách Ủy viên Ban căn cứ của Tỉnh ủy. Nhận nhiệm vụ nặng nề, ông Hạ, lấy bí danh là Xuân về đứng ở Thuận Tình (thôn 1 Cẩm Thanh, Hội An hiện nay), chịu sự chỉ đạo của Ban Cán sự phía Nam của Tỉnh ủy Quảng Nam, đóng tại Thanh Tam, Hội An.
Ông Hạ tổ chức đường dây theo đường sông, thông qua những chiếc ghe làm rớ, ghe buôn cá mắm, tạp hóa, theo thuyền ra vào giao liên ghé các trạm giao thông nhận chuyển tài liệu, thư từ, đưa đón cán bộ Tỉnh ủy đi công tác giữa các huyện. Đồng thời xây dựng những cơ sở trung kiên đặt các trạm liên lạc tại Lò Rèn Cây Mộc – Bình Dương, từ trạm này nối liên lạc với Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, nối liên huyện với các trạm ở Trà Đình, Bà Rén, Cửa Lở…
Được giao nhiệm vụ tổ chức ngay một trạm giao liên trên đất Thăng Bình, cô Phan Thị Truy – Hai Truy đã ‘‘trưng dụng’’ nhà của cha mình là ông Phan Dỹ (Trùm Dỹ, còn gọi là ông Trùm Hai) ở Lạc Câu.
Cô qua bên đất Bình Giang, thương lượng ông Võ Tá ở An Giáo cho mượn nhà làm một trạm giao liên nối từ Bình Dương qua Bình Giang, cùng với trạm giao liên ở nhà ông bà Phiến ở Phước Châu, xã Bình Triều, nối nhau thành “tam giác cụm giao thông liên lạc” cả trên bờ lẫn dưới sông, với ba điểm hẹn là Giếng Lách – An Giáo – Phước Châu.
Những người dân tốt bụng, hăng hái và trung kiên hai bên sông Trường Giang như bà Phạm Thị Chua, bà Lức ở thôn Tư, bà Xuân ở thôn Hai (Bình Dương), tạo thành một vùng “mạng nhện” cách mạng.
Cô Hai Truy còn xây dựng được một đội thuyền rớ do bà Xoan và anh Mười Tấn làm nòng cốt nối liên lạc từ Thăng Bình ra đến Cẩm Thanh, Hội An – nơi có Trạm giao liên của tỉnh do Ngô Xuân Hạ chỉ huy. Nhờ vậy, đi đến đâu, dù ban đêm hay ban ngày, vào lúc chạng vạng hay nửa đêm khuya tối mịt lạnh cắt da cũng có giao liên đưa đường, kẹt đường này bị dân vệ gác thì đi đường kia, kẹt trên bộ thì đi dưới sông.
Dưới sông có lúc nhờ thuyền, lúc không có thuyền thì đi thúng chai, khi gặp nguy khốn thì giao liên sẵn sàng ùm xuống sông như một con rái. Từ tam giác cụm giao thông này nối Đường dây miền Tây của Khu ủy 5 do Nguyễn Bốn (Bốn Quảng) phụ trách.
Ông Hạ tổ chức tuyến giao thông từ Cồn Chài, Vạn Lăng, Thuận Tình, Thanh Tam, đi các nơi trong Hội An và tuyến đường dây trên bộ từ căn cứ bí mật của Tỉnh ủy xuống Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An…
Cuối năm 1956, đầu năm 1957, Đường dây trên sông nối Hội An và Tam Kỳ bị địch phát hiện, cơ sở bị bắt, cô Hai Truy rời Bình Dương lên gặp chồng là ông Nguyễn Bốn và gia nhập Đường dây của Khu ủy 5. Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Đường dây nối các huyện Duy Xuyên, Tiên Phước, Tam Kỳ, dựa vào đường dây của Liên Khu ủy 5.
2. Từ giữa tháng 7/1957, địch đẩy chiến dịch “tố Cộng” lên cao trào, Trương Bút – Phó Bí thư và Nguyễn Khoa – Thị ủy viên Hội An phải ra bãi lác ven sông để lánh địch, không may gặp người đi mua lác từ nơi khác đến tri hô làm hai người bị bắt, bị tra tấn. Địch mổ bụng moi gan Trương Bút, đóng đinh trên các đầu ngón tay của Nguyễn Khoa, tra tấn đến chết nhưng vẫn không lấy được ở các đồng chí một lời khai.
Cuối năm 1957, cán bộ thoát ly của Hội An chỉ còn Nguyễn Kim Khánh, Ngô Thám và Nguyễn Thanh, bị địch truy nã ráo riết, phải lánh ra ở bờ ở bụi. Lúc này Phân ban Tỉnh ủy phía Nam phải rút cơ quan về vùng căn cứ, Thị ủy mất liên lạc.
Ngày 29/1/1958, Nguyễn Kim Khánh trên đường theo giao liên thoát khỏi Hội An, chuyển ra Đà Nẵng hoạt động thì bị bắt ngay đoạn ngã ba chợ Tân Lập gần chợ Mới. Ngày 5/2/1958, Nguyễn Thanh và Ngô Thám bị bắt tại Cẩm Hà. Trước tình hình nguy cấp đó, Văn phòng Tỉnh ủy phải dời ra phía bắc, ông Hạ phải giải thể cán bộ, giao liên, đưa đi miền Bắc, cho về đơn vị cũ hoặc về sống hợp pháp ở địa phương.
Bám lại Thuận Tình, ông Hạ ở trong nhà bà Bốn – ở đây có cái cồn gọi là cồn Bà Bốn. Tuy nhiên, ít khi ông Hạ ở nhà mà ở các trạm gặp gỡ ngoài rừng, góc ruộng hay liên lạc qua hòm thư mật. Có những ngày nhịn đói, có cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy chưa kịp theo cơ quan đã bị bắt. Đó là đồng chí Tương, người Hội An.
Tết Ất Mùi 1955, Ngô Xuân Hạ và mấy anh em ở ngoài bụi, bà con đem bánh tết ra cho ăn. Ông Hạ xây dựng một tổ giao liên chủ lực do anh Hiến phụ trách. Tổ gồm chị Tại, chị Lộ, chị Giỏi. Đặc biệt, có anh Ngân ở Cồn Chài là người mù, lại là giao liên cho ông Hạ đi vào ban đêm từ Thuận Tình qua Phước Trạch. Mỗi lần, bao giờ cũng vào ban đêm, ông Hạ đến nhà, chỉ cần chạm cánh tay là anh Ngân thức giấc, ngồi dậy. Đi với anh Ngân, ông Hạ cảm thấy yên tâm.
3. Mặc dầu đứt liên lạc với Tỉnh ủy và Thị ủy Hội An, ông Hạ vẫn bám lại Thuận Tình để hoạt động. Đến tháng 6/1958, ông Hạ bắt lại liên lạc với Tỉnh ủy và được giao tiếp tục bám địa bàn, phát triển lực lượng cách mạng ở Hội An.
Một lần, từ Duy Nghĩa, cơ sở đưa ông Hạ về Cẩm Thanh. Thuận Tình vắng tanh. Ông Hạ vừa lần bước đi thì gặp ông Trỉ, ông cho biết chúng bắt tất cả bà con đi học tập tố Cộng ở bên thôn Hai. Ông Hạ nhờ ông Trỉ đưa trở lại Duy Nghĩa. Khi thuyền vào đến gần bờ, hai người phát hiện có một thuyền đưa dân vệ đi tuần trên sông. Ông Hạ liền chia tay ông Trỉ, vọt ra khỏi thuyền lội vào bờ. Lúc còn ngồi trên thuyền ra giữa sông, ông Hạ dặn tín hiệu, địa điểm, thời gian liên lạc để con gái ông Trỉ về thì gặp lại.
Một tuần sau, khi đoàn bình trị tố Cộng chuyển đến địa điểm khác thì ông Hạ bố trí cơ sở nối liên lạc lại với ông Trỉ. Tuy tình hình bớt căng, song ông Hạ luôn cảnh giác, mỗi khi đi đâu, ông Trỉ bố trí một chiếc thuyền đi trước, ra Cồn Sóng nơi điểm hẹn, thấy yên thì gõ mấy cái theo tín hiệu vào mạn thuyền rồi đưa cơ sở chính là con gái ông Trỉ đến một điểm hẹn khác để gặp ông Hạ.
Thời gian trụ được ở Thuận Tình không bị địch phát hiện là nhờ dựa vào gia đình ông Trỉ và gia đình ông Siêng. Các con của ông Trỉ và ông Siêng đều là cơ sở trung kiên, là những giao liên thông minh, lanh lợi, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cách mạng, ở trong tổ giao liên của xã. Sau thời gian vượt qua với gian khổ, thử thách với ác liệt, Ngô Xuân Hạ đã kết nạp cô Riềng và cô Tại ở thôn Một và cô Xảo ở thôn Ba vào Đảng.
Cuối tháng 7/1967, đồng chí Ngô Xuân Hạ làm Bí thư Thị ủy Hội An – thay đồng chí Vương Quốc Mỹ hy sinh, cùng hai Phó Bí thư Trương Minh Lượng và Võ Hiên ngày đêm chuẩn bị tinh thần và lực lượng tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.…
Có người thay làm Bí thư Hội An, đồng chí Ngô Xuân Hạ về tỉnh làm Trưởng ban Tuyên huấn Quảng Đà. Hòa bình, ông làm Trưởng ban Tuyên giáo Quảng Nam – Đà Nẵng…