Bây giờ chuyện thanh niên hay trung niên đột nhiên mến cảnh chùa muốn thoát tục xuống tóc đi tu là chuyện bình thường. Nhưng đã từng có một nhà văn, trưởng thành từ chiến tranh chống Mỹ, và cũng bước ra văn đàn từ những năm tháng ác liệt ấy, mà chợt… đi tu, mới lạ! Đó là nhà văn Thái Bá Lợi, bạn tôi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nếu bạn được gặp Thái Bá Lợi mà nghĩ là anh này đi tu thì đó là ý nghĩ không bình thường. Vì trông Lợi không có vẻ gì là người muốn nương nhờ cửa Phật cả. Anh rất hồn nhiên… ăn nhậu, nói toàn những chuyện cười bể bụng, rất tào lao. Vậy mà anh đã từng nhiều năm ở chùa hẳn hoi, một ngôi chùa vắng vẻ khuất nẻo hẳn hoi, và chắc chắn, anh cũng đã tu hẳn hoi ở đó.
Khoảng ngót ba chục năm trước, trong một dịp đi chơi Vũng Tàu theo lời mời một người bạn, lúc ra về tôi đã được Thái Bá Lợi mời ghé am thất ở Bà Rịa, nơi anh đang tu hành. Ghé để… thăm chơi thôi, và nhận thấy am thất rất thanh tịnh, tuy nhỏ, nhưng nằm trong một tổng thể chung gồm nhiều am thất từa tựa nhau, và đúng là khi vào đó, có không khí gần gũi với cảnh giới siêu thoát.
Thực ra, chả có căn nguyên gì rõ rệt đưa Thái Bá Lợi tới am thất ấy, chỉ là do anh mến cảnh chùa, yêu kinh Phật, thế thôi. Khi Thái Bá Lợi viết văn, tôi có cảm giác cũng rất giống một nhà sư tụng kinh: nhẩn nha, bình thản, chậm rãi. Sau này tôi mới chợt nghĩ, thì ra, trước khi đến tu ở am thất một thời gian dài, Thái Bá Lợi đã từng tu ở một ngôi chùa khác: ngôi chùa ngôn ngữ. Đó là ngôi chùa dành cho nhà văn, và Thái Bá Lợi vô cùng sùng kính khi tu trong đó.
Thái Bá Lợi là nhà văn hồn nhiên một cách khó lường. Nên cả chuyện anh vào chùa, ban đầu tôi rất sốc, nhưng sau nhớ lại tính cách anh, thì thấy chuyện ấy cũng bình thường. Nhưng khi tu ở “ngôi chùa ngôn ngữ” thì Lợi đắc đạo: văn anh rất hay. Đó là thứ văn xuôi lừng khừng, tưng tưng, bình thản cả những khi không thể giữ bình tĩnh, và trau chuốt một cách tự nhiên. Văn Lợi viết rất kỹ, ngược với tính anh cực kỳ tào lao.
Thì ở đời vẫn có những trường hợp tréo ngoe như vậy. Những tiểu thuyết ngắn viết về chiến tranh của anh như “Hai người trở lại trung đoàn”, “Bán đảo”, hay “Trùng tu”… theo tôi là đứng vào hàng hay nhất của dòng tiểu thuyết ngắn Việt Nam đương đại, nhất là dòng tiểu thuyết viết về chiến tranh. Những ai đã đọc, đã mê văn anh thiệt tình thì khó dứt ra được. Tôi có hai người bạn rất mê văn Thái Bá Lợi, đó là nhà thơ Ngô Thế Oanh và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hai ông này thì thực sự ngưỡng mộ văn Thái Bá Lợi. Họ đều là hai nhà thơ nổi tiếng của thế hệ thơ thời chống Mỹ.
Có thể kể thêm tôi, vì tôi cũng rất mê văn Thái Bá Lợi, mê nhất là giọng văn tưng tửng, bình thản đến sốt cả ruột của anh. Đi tu ở “chùa ngôn ngữ” như Lợi cũng đáng đồng tiền (sạch) bát gạo (chay) lắm chứ! Nhưng đã là nhà văn thì luôn luôn khát khao thay đổi. Sau một thời gian mấy năm vào tu trong một am thất nhỏ ở Bà Rịa-Vũng Tàu, đột ngột Thái Bá Lợi lại trở về với cuộc sống bên ngoài am thất, một cuộc sống bình thường như bao người đang sống.
Cái nhà văn Thái Bá Lợi thu nhận được sau mấy năm tu hành, là anh đang tiến tới uẩn súc một kiến văn, một cách sống gần với đạo đức nhà Phật. Thứ thiệt luôn. Như thế, theo tôi, là anh đã thành công, nói theo cách phổ thông bây giờ.
THANH THẢO