Tích hợp mô hình “vừa học, vừa chơi”
STEM là cụm từ viết tắt của hình thức giáo dục mới, hướng đến kinh tế tri thức, với sự kết hợp của 4 lĩnh vực, bao gồm: Khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Math). Mô hình STEM trang bị cho học sinh bộ kỹ năng và kiến thức kết hợp ở 4 lĩnh vực, đào tạo thế hệ đón đầu xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây là phương thức giáo dục tích hợp tiếp cận liên môn thông qua thực hành, ứng dụng lý thuyết đã học, đề cao việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề. Học sinh được trang bị kiến thức khoa học gắn liền ứng dụng thực tiễn. Tùy vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường lựa chọn hình thức tổ chức giáo dục STEM phù hợp, như: Dạy môn khoa học theo bài học STEM, tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM, tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học – kỹ thuật.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, các trường học tham gia thí điểm đã chủ động, tích cực triển khai giáo dục STEM nghiêm túc, hiệu quả, có sức lan tỏa cao. Bước đầu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh (khơi gợi ý tưởng sáng tạo, sự tự tin; phát huy tối đa liên tưởng, tư duy logic…). Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo một số giáo viên dạy tiểu học, mô hình giáo dục STEM rất hiện đại, tích hợp nhiều môn học. Học sinh “vừa học, vừa chơi”, giúp giảm áp lực và nâng cao hiệu quả dạy học. Bên cạnh thuận lợi, vẫn còn khó khăn, như: Giáo viên phải tự nghiên cứu, tìm hiểu qua sách, báo, Internet hoặc học hỏi từ đồng nghiệp; một bộ phận giáo viên chậm đổi mới phương pháp dạy học trong tiếp cận giáo dục STEM. Nhiều học sinh chưa chủ động tìm hiểu, còn phụ thuộc vào giảng dạy của giáo viên; tổ chức hoạt động giáo dục STEM chủ yếu tại lớp. Trang thiết bị, cơ sở vật chất trường học còn thiếu, tận dụng từ cơ sở vật chất hiện có và vật liệu tái chế, thân thiện môi trường…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Khanh cho biết, việc triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên về việc tổ chức, thực hiện nội dung, phương pháp, các hình thức tổ chức thực hiện giáo dục STEM, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học. Năm học 2023 – 2024, tỉnh thí điểm ở 22 trường tiểu học. Các trường còn lại tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết, xây dựng kế hoạch và thực hiện từ năm học 2024 – 2025.
Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu Phòng GD&ĐT hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn; tổ chức sơ, tổng kết; kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt. Đồng thời, phát hiện khó khăn và có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp; tổng hợp ý kiến của cơ sở giáo dục tiểu học về các nội dung liên quan. Tham mưu UBND cấp huyện bố trí kinh phí, hỗ trợ cơ sở vật chất, đảm bảo thực hiện hiệu quả giáo dục STEM trong cơ sở giáo dục tiểu học, phù hợp điều kiện của địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh về vai trò của giáo dục STEM.
Tỉnh tăng cường tập huấn, bồi dưỡng để thầy, cô giáo nắm vững vấn đề cơ bản về giáo dục STEM, có khả năng xây dựng và tổ chức dạy học chủ đề STEM ở cấp tiểu học; thiết kế được kế hoạch bài giảng và vận dụng vào thực tế giảng dạy tại đơn vị. Do đó, các trường chú trọng bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên; đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề về giáo dục STEM; kiểm tra, đánh giá hiệu quả xây dựng và thực hiện kế hoạch; kịp thời phát hiện khó khăn, có biện pháp xử lý phù hợp, linh hoạt, báo cáo trong quá trình thực hiện tại đơn vị.