11/08/2023 13:19
Nhiều năm nay, không ít người đồng bào DTTS ở huyện Kon Plông có thêm thu nhập, cải thiện đời sống từ nghề biểu diễn cồng chiêng, múa xoang phục vụ cho khách du lịch.
Ban ngày chị Y Duân (22 tuổi, thôn Kon Chênh, xã Măng Cành) là một nông dân tất bật cấy lúa ngoài ruộng. Nhưng chiều tối, chị lại là một cô gái người Mơ Nâm dịu dàng với bộ váy áo truyền thống đang múa xoang theo nhịp chiêng. Chị Y Duân coi múa xoang là một công việc làm thêm, chị bắt đầu đi múa từ năm cấp 3, nhưng ngày đó thỉnh thoảng mới có đoàn khách để biểu diễn. Học xong cấp 3, khi tham gia đội cồng chiêng của thôn, chị mới thường xuyên đi biểu diễn và có thu nhâp.
|
“Mùa này thì hơi vắng khách du lịch nên cả tháng được vài đoàn, nhưng dịp lễ, tết thì rất đông, nhất là mỗi khi thị trấn Măng Đen có lễ hội. Thu nhập từ đi múa xoang cũng tạm ổn vì tùy theo số đoàn phục vụ mà các thành viên được tiền nhiều hay ít. Những tháng vắng khách thì chừng vài trăm nghìn đồng, còn mùa lễ, tết có tháng đến vài triệu đồng. Số tiền này giúp tôi trang trải cuộc sống, chi phí sinh hoạt gia đình và tiền xăng xe đi lên rẫy”- chị Y Duân vui vẻ nói.
Ông A Lễ – Đội trưởng đội cồng chiêng thôn Kon Chênh cho biết, đội thành lập từ năm 2013, đến nay, vẫn duy trì 18 thành viên cùng thường xuyên tập luyện và biểu diễn. Từ đầu năm đến nay, đội cồng chiêng của thôn đã đi diễn hơn 20 lượt tại các khách sạn, nhà hàng trên thị trấn Măng Đen. Mỗi lượt, đội được trả từ 2-3 triệu đồng, rồi chia đều cho các thành viên. Với số tiền này, tuy ít nhưng giúp các thành viên có thêm thu nhập chăm lo cho gia đình.
Còn với đội cồng chiêng, múa xoang làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen), rất nhiều người có thu nhập ổn định khi tham gia đội. Anh A Hênh (30 tuổi, làng Kon Pring) là một trong 10 thành viên nam trong đội cồng chiêng của làng. Anh A Hênh vốn là một nông dân ngày ngày gắn bó với ruộng lúa, thu nhập không bao nhiêu. Năm 2020, anh tham gia đội cồng chiêng của làng; từ đó, anh luôn tích cực tập luyện, đi theo đội biểu diễn không sót ngày nào.
Theo anh A Hênh, đội cồng chiêng của làng có 25 người đều làm nông và thu nhập của họ chỉ trông vào rẫy mì. Khi thành lập đội cồng chiêng, bà con trong làng ai cũng vui vẻ đồng tình muốn tham gia. Đội cồng chiêng ra đời, các thành viên vừa có thu nhập vừa lưu giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Trước mỗi đêm diễn, đội trưởng và các thành viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ, từ âm thanh, ánh sáng, củi lửa, rượu cần để đảm bảo phục vụ du khách tốt nhất và để lại ấn tượng đặc biệt về văn hóa người Mơ Nâm.
|
Từ đầu năm đến nay, đội cồng chiêng làng Kon Pring đã đi biểu diễn gần 70 lượt, trung bình mỗi lượt, các thành viên nhận được 100.000-200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng tôi cũng có thu nhập khoảng 2 triệu đồng- anh A Hênh cho hay.
Ông Đinh Tạm – Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kon Plông cho biết, văn hóa cồng chiêng, múa xoang đã được sử dụng để làm du lịch cộng đồng tại các thôn, làng từ năm 2013, nhưng lúc đó vẫn còn tự phát, nhỏ lẻ. Đến nay, trên địa bàn có 8 đội cồng chiêng bán chuyên nghiệp từ thôn, làng thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ du khách.
Thông thường biểu diễn cồng chiêng, múa xoang sẽ được tổ chức vào buổi chiều tối. Các đoàn du khách từ khắp nơi tới địa điểm khách sạn, nhà hàng ở thị trấn Măng Đen sẽ được xem các đội cồng chiêng, múa xoang biểu diễn. Sau đó mời du khách cùng tham gia múa xoang theo nhịp chiêng quanh bếp lửa hồng, vừa múa vừa thưởng thức rượu cần cùng ăn đặc sản của địa phương khiến du khách rất thích thú.
Nay Săt