Tham dự buổi làm việc còn có các thành viên của Đoàn kiểm tra đến từ các đơn vị có liên quan thuộc Bộ TN&MT, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Cục Đường bộ Việt Nam.
Về phía Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PTDS, PCTT&TKCN) tỉnh Cao Bằng, có ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, Phó Trưởng Ban và các thành viên là Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Chủ động huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ ứng phó thiên tai
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Ma Thị Huyền Linh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã xảy ra hạn hán cục bộ, nắng nóng, lốc, sét, mưa đá và lũ cục bộ gây thiệt hại: 1 người chết, 2 người bị thương; ảnh hưởng đời sống sinh hoạt nhân dân (thiếu nước sinh hoạt 2.360 hộ với 11.690 người); 1.551 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng do lốc, mưa đá, sạt lở đất, trong đó, 1.514 nhà bị tốc mái; 37 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 8.836 ha cây trồng bị hư hại do lốc, mưa đá, sạt lở, hạn hán; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, sạt lở đất.
Năm 2023, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ để ứng phó và khắc phục kịp thời hậu quả khi thiên tai gây ra; các Đội xung kích PCTT cấp xã đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt tại cơ sở trong hỗ trợ nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; các cấp, các ngành liên quan chú trọng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức phù hợp để nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong chủ động phòng, tránh, ứng phó các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn; thực hiện công tác trực ban nghiêm túc, chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, thông tin kịp thời, truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời tới cơ sở, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Theo bà Ma Thị Huyền Linh, trong thời gian tới, Ban Chỉ huy tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phổ biến tuyên truyền, triển khai thực hiện các Chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCTT; rà soát, bổ sung lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình, dự án, nhất là các dự án phát triển hạ tầng giao thông; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai; nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn.
Ban Chỉ huy tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác phòng ngừa sự cố, thiên tai: xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị ứng phó thiên tai và TKCN trước mùa mưa lũ năm 2023; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập ứng phó thiên tai, TKCN theo phương án được phê duyệt; chỉ đạo huyện Trùng Khánh tổ chức diễn tập PTDS, PCTT&TKCN năm 2023.
Đồng thời, tổ chức và thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng ứng phó với sự cố, thiên tai nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, tránh thiên tai; lồng ghép nội dung PCTT, ứng phó sự cố vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và hoạt động hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.
Ban Chỉ huy tỉnh sẽ nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành PCTT&TKCN các cấp đến cơ sở, trong đó tập trung nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về PCTT&TKCN đảm bảo đáp ứng yêu cầu và không để bị động trong công tác tham mưu chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; nâng cao năng lực TKCN, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn; tiếp tục triển khai đào tạo tập huấn, diễn tập đảm bảo năng lực ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã; thực hiện công tác quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ PCTT theo quy định.
Cần huy động các nguồn lực khác thực hiện hỗ trợ thiệt hại
Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn kiểm tra nhất trí với báo cáo, tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng Ban Chỉ huy tỉnh cần cập nhật tình hình thiên tai, thiệt hại và công tác ứng phó với thiên tai của tỉnh trong năm 2022, từ đó phát huy những điểm mạnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế để ứng phó hiệu quả, giảm bớt thiệt hại thiên tai trong năm 2023; ngoài ra, tổng hợp nhu cầu các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn sát với từng vùng miền của địa phương, đơn vị…
Tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Thái Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN tỉnh Cao Bằng đề nghị Đoàn kiểm tra có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để tỉnh thực hiện các dự án trọng điểm cấp bách về PCTT, gồm: 2 dự án Bố trí di dời, ổn định dân cư vùng thiên tai; thực hiện các Dự án kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông, suối; sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn đập hồ chứa thủy lợi.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trần Hồng Thái – Trưởng Đoàn Kiểm tra đánh giá tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác PCTT&TKCN trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, tỉnh cần cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình thiên tai của năm 2022 trên địa bàn về những đợt mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, các đợt rét đậm, rét hại… từ đó đưa ra con số thiệt hại và công tác ứng phó với thiên tai trong năm qua.
Ban Chỉ huy tỉnh cần tiếp tục triển khai chiến lược quốc gia PCTT, chương trình tổng thể PCTT, kế hoạch PCTT, Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 theo Quyết định 957/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT.
Về công tác xây dựng và triển khai kế hoạch PCTT cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đánh giá tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, nhưng chưa thể hiện được kết quả thực hiện các nhiệm vụ, nội dung làm cơ sở đánh giá mức độ thực hiện và hoàn thành so với kế hoạch, do vậy cần nghiên cứu bổ sung.
Về công tác tuyên truyền, Ban Chỉ huy tỉnh cần bổ sung làm rõ các hình thức truyền thông có đảm bảo tiếp cận đến người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hay không và có tuyên truyền bằng tiếng dân tộc hay không.
Về đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số, Ban chỉ huy tỉnh cần quan tâm hơn đến các tiêu chí, xác định những điểm hết sức quan trọng phục vụ cho công tác PCTT.
Ban Chỉ huy tỉnh cũng cần cập nhật thực trạng bổ sung thiết bị phục vụ cho lực lượng xung kích PCTT.
Trưởng Đoàn kiểm tra yêu cầu, trong thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành nhanh chóng rà soát, bổ sung, hoàn thiện, ban hành các phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, chú ý trọng tâm đến các loại thiên tai lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá.
Đồng thời, UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác PCTT theo Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, UBND tỉnh tổ chức rà soát nhà ở an toàn cho các cụm dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sửa chữa, gia cố nhà cửa; quan tâm bổ sung trang thiết bị hỗ trợ cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN tỉnh.
Bên cạnh đó, nhanh chóng thống kê thiệt hại sau thiên tai, có phương án huy động các nguồn lực khác thực hiện hỗ trợ thiệt hại theo chế độ chính sách đối với các hộ gia đình có người chết, bị thương, nhà ở bị thiệt hại do thiên tai; thực hiện rà soát và lập danh mục các công trình, chủ công trình thuộc đối tượng phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đối với các trạm KTTV chuyên dùng theo quy định.