Theo đó, trường hợp tử vong là em Ma Văn Khanh (SN 2012, trú tại thôn 2, xã Sơ Pai, huyện Kbang).
Qua điều tra xác minh, người nhà bệnh nhân cho biết trước đó họ không nghe em Khanh kể về việc có bị chó, mèo cắn và gia đình không thực hiện các biện pháp dự phòng phơi nhiễm như tiêm huyết thanh dại và vaccine dại.
Tới ngày 4/8, bệnh nhân có triệu chứng sốt, nôn, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, mệt mỏi. Ngày 5/8, bệnh nhân được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế Kbang, sau đó chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
Sau đó, bệnh nhân đã tử vong và được chẩn đoán bệnh dại thể hung dữ, viêm cơ tim cấp, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Sau khi ghi nhận ca tử vong do bệnh dại, Trung tâm Y tế huyện Kbang đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của bệnh dại. Từ đầu năm đến nay, Gia Lai ghi nhận có 9 ca tử vong do bệnh dại, đây cũng là địa phương có các ca mắc bệnh dại nhiều nhất cả nước.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, khuyến cáo những người đã chăm sóc phục vụ trực tiếp người bệnh có tiếp xúc nước bọt và các đồ vật bị nhiễm chất tiết của người bệnh điều trị dự phòng bằng tiêm vắc xin dại, huyết thanh dại theo dõi sức khỏe trường hợp bị chó cắn để có hướng xử lý kịp thời.
Đồng thời, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cũng tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của bệnh dại, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó nghi dại cắn hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn.
Lê Trang