Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 5/4, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine đang nỗ lực thâm nhập các vệ tinh viễn thông của nước này. Moscow khẳng định kế hoạch này của Kiev có thể nhận được sự trợ giúp từ một bên thứ 3.
“Kiev với sự hỗ trợ của các chuyên gia tới từ nhiều quốc gia trên thế giới, đang nỗ lực xâm nhập và tác động tới mạng lưới vệ tinh viễn thông của chúng ta”, tuyên bố trên viết.
Tuy không đưa ra bằng chứng cụ thể, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định kế hoạch của Ukraine đã vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cảnh báo Nga sẽ đưa ra những biện pháp đáp trả thích đáng. Moscow cũng nhấn mạnh rằng Nga có đủ năng lực và phương tiện để thực hiện các biện pháp trả đũa này.
Theo giới quan sát, nếu cáo buộc trên của Nga là sự thật, các hacker Ukraine có thể thâm nhập vào mạng lưới điều hành vệ tinh của Moscow và vô hiệu hóa chúng. Ngoài ra, hacker cũng có thể chiếm quyền điều khiển vệ tinh rồi đưa ra một số lệnh nhằm gây hỏng hóc vật lý.
Chuyên gia quân sự Michael Clarke phát biểu hồi tháng 4/2022 rằng, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên chiến tranh vũ trụ, nhất là trên phương diện cung cấp thông tin liên lạc trên chiến trường.
Với Nga, mạng lưới vệ tinh viễn thông cũng như quân sự dày đặc đã giúp quân đội nước này chiếm ưu thế trên chiến trường nhờ khả năng thông tin liên lạc nhanh chóng và thông suốt. Các vệ tinh của Nga cũng góp phần dẫn đường cho các vũ khí chính xác của quân đội nước này trong việc tập kích các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, ngành công nghiệp vũ trụ của Nga hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do thiếu linh kiện và phụ tùng nhập khẩu.
Về phía Ukraine, nước này cũng nhận được kết nối vệ tinh vào cuối tháng 2/2022 sau khi SpaceX, công ty của tỷ phú Mỹ Elon Musk vào cuộc và chuyển hàng chục nghìn bộ kết nối vệ tinh Starlink cho quân đội Ukraine.
Kết nối Starlink cho phép quân đội Ukraine sở hữu một hệ thống thông tin đáng tin cậy và mạnh mẽ.
Bằng cách sử dụng hệ thống Internet dựa trên vệ tinh, kết nối với mạng lưới hàng nghìn tàu vũ trụ nhỏ vòng quanh trái đất ở quỹ đạo thấp, các đơn vị Ukraine có thể duy trì liên lạc nhằm phối hợp tác chiến một cách nhanh chóng và bảo mật. Quân nhân Ukraine sử dụng các hệ thống này để phối hợp các nhiệm vụ phản công hoặc yêu cầu hỗ trợ pháo binh. Trong khi đó, dân thường Ukraine dùng Starlink để giữ liên lạc với thân nhân ở trong và ngoài nước.