6 tháng đầu năm 2023, Agribank đã giúp được gần 100 khách hàng thoát khỏi gần 100 vụ lừa đảo công nghệ cao, bảo vệ được tài sản trị giá hơn 10 tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng.
Kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo ở “phút 89”
Theo thống kê, năm 2022, Agribank hỗ trợ ngăn chặn gần 50 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với hơn 8 tỷ đồng. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, con số vụ lừa đảo đã tăng gấp đôi với gần 100 khách hàng, số tiền “suýt” bị chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỷ đồng. Điều này cho thấy, các vụ lừa đảo đang có chiều hướng gia tăng ngày càng nhiều cả về số lượng và mức độ tinh vi, xảo quyệt. Mặc dù Agribank đã có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhưng nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.
Từ việc giả vờ kết bạn làm quen trên mạng xã hội, giả vờ gửi quà từ nước ngoài về và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để nhận hàng tại hải quan, đến giả danh cán bộ công an, cơ quan chức năng để gọi điện đe dọa, tống tiền người dân. Từ việc sử dụng công nghệ cao “deepfake” để mạo danh người thân đi vay tiền đến việc “hack” SMS giả thương hiệu, brandname, website, fanpage ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Và tinh vi hơn, gần đây, các tội phạm lừa đảo còn thiết lập các phần mềm, ứng dụng ảo để từng bước lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng, tự động rút tiền từ tài khoản khách hàng.
Thực tế cho thấy, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các chiêu thức thao túng tâm lý người dùng rất tốt. Chúng nghiên cứu kỹ người dùng, nắm bắt thông tin cá nhân, từng bước tiếp cận, làm quen, kết thúc là lật tẩy chiêu bài lừa đảo, dẫn dụ khách hàng “rút” quỹ hầu bao để chi trả cho chúng. Qua thống kê, trên 50% phi vụ lừa đảo đối với khách hàng tại Agribank đều xuất phát từ hình thức giả mạo cơ quan chức năng để thao túng tâm lý, tống tiền khách hàng. Đã có không ít trường hợp mắc bẫy lừa đảo của những kẻ mạo danh công an, điều tra viên, đã thực hiện các bước để chuẩn bị chuyển tiền. Tuy nhiên, khi ra tới ngân hàng rút tiền tiết kiệm, mở tài khoản chuyển tiền, nhờ sự cảnh giác, chủ động nhận diện dấu hiệu lạ của khách hàng, cán bộ nhân viên Agribank đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, báo công an, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo ở “phút 89”.
Theo đó, từ đầu năm, Agribank chi nhánh Bắc Thanh Hóa đã ngăn chặn kịp thời được 5 vụ giả danh cán bộ chức năng với số tiền được “cứu” là hơn 800 triệu đồng, trong khi đó, con số vụ được lật tẩy tại Agribank chi nhánh Tuyên Quang là 4 vụ lừa đảo, bảo vệ được gần 1,2 tỷ đồng cho khách hàng, chi nhánh Ba Vì – Hà Tây 1 đã kịp thời hỗ trợ được 2 khách hàng thoát lừa đảo trong gang tấc với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Mới đây nhất, phòng giao dịch Chợ Cháy (Ứng Hòa, Hà Nội) đã tinh tường phát hiện và kịp thời ngăn chặn một vụ giả danh công an đe dọa cựu chiến binh với số tiền 600 triệu đồng.
Kể lại câu chuyện bị “thao túng tâm lý”, “dẫn dụ” của đối tượng lừa đảo, ông N.X.N (sinh năm 1952, cựu chiến binh ở thôn Thần, xã Minh Đức, Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông kể, khoảng 8h00 ngày 27/7/2023, ông nhận được cuộc gọi của một số điện thoại lạ, người gọi điện đến giới thiệu là cán bộ công an điều tra thuộc Bộ Công an và cán bộ công an Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội (địa chỉ tại số 7 Thiền Quang). Đối tượng nói rằng ông đang liên quan đến một vụ án mà Bộ Công an đang điều tra, yêu cầu ông phải chuyển 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng) nếu không sẽ bắt tạm giam. Vì lo sợ bị bắt nên ông N đã lấy toàn bộ số tiền mặt, vàng và sổ tiết kiệm rồi đi đến ngân hàng rút tiền để chuyển cho đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Sau khi nghe cán bộ ngân hàng phối hợp cùng Công an xã Đồng Tân khuyên ngăn, giải thích, ông N đã bình tĩnh trở lại và không thực hiện giao dịch chuyển tiền nữa. Toàn bộ số tiền, vàng, sổ tiết kiệm của ông đã được bảo toàn và ông lại tiếp tục tin tưởng gửi tiết kiệm tại Agribank.
Một hình thức lừa đảo phổ biến khác chính là hình thức kết bạn làm quen trên Facebook và gửi quà từ nước ngoài về, lừa đảo người ở Việt Nam chuyển tiền để thanh toán hải quan. Tính từ đầu năm đến nay, Agribank đã ngăn chặn được 22 vụ với số tiền gần 1 tỷ đồng. Các phi vụ được thực hiện trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hoà Bình, Thái Bình, Bắc Giang đến các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng,… và càng ngày càng biến tướng với nhiều hình thức khác nhau. Bởi sự bùng nổ của công nghệ, thủ đoạn lừa đảo không ngừng được “nâng cấp” biến hóa tinh vi hơn để vượt qua vòng “tâm lý” thực hiện trót lọt phi vụ lừa đảo “rút ruột” ví tiền của khách hàng. Tuy nhiên, với những hình thức này, khi khách hàng ra quầy để thực hiện chuyển tiền, đều may mắn được cán bộ Ngân hàng nhanh nhạy phát hiện, và ngăn cản kịp thời, tránh “tiền mất tật mang”.
Hình thành những “lá chắn” bảo vệ khách hàng
Trước diễn biến “nóng” của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, Agribank xác định công tác bảo đảm an toàn cho tài sản khách hàng và phòng chống tội phạm công nghệ cao là nội dung ưu tiên cần chú trọng trong mọi hoạt động. Agribank liên tục đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo đến khách hàng nhằm nâng cao nhận thức của chính khách hàng đang sử dụng dịch vụ Ngân hàng trên các kênh truyền thông chính thức của Agribank: website Agribank, bản tin hình Agribank News, các trang mạng xã hội chính thức của Agribank và hệ thống hơn 2.000 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc.
Đây có thể coi là liều “Vắc-xin số” mà Agribank đang triển khai hướng tới tiêu chí nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhận biết và khả năng đề phòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán trên các nền tảng, phần mềm trên không gian mạng. Thông qua “Vắc-xin số” mà Agribank cung cấp, các khách hàng sẽ hình thành bộ lọc những thông tin cần đọc, cần nghe, để từ đó chủ động loại bỏ những thông tin độc, ảnh hưởng đến tài sản của chính bản thân.
Xác định chuyển đổi số cùng với đồng thời nâng cao tính bảo mật chặt chẽ cho khách hàng, Agribank luôn từng bước thận trọng áp dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến trong sản phẩm dịch vụ và chất lượng của mình. Cùng với ngành Ngân hàng, Agribank đẩy mạnh triển khai eKYC để hỗ trợ khách hàng các giao dịch trực tuyến (mở tài khoản trực tuyến, đăng ký dịch vụ Ngân hàng trực tuyến,…). Cùng với đó, Agribank cũng đưa ra các yêu cầu để đảm bảo an toàn cho chính khách hàng như kết hợp xác thực bằng người thật, tức là khách hàng cần đến các điểm giao dịch của Agribank để hoàn tất việc eKYC, bảo đảm đúng người đúng tài khoản. Bên cạnh yêu cầu xác thực, Agribank cũng hạn chế hạn mức chuyển tiền trực tuyến khi khách hàng chưa hoàn tất xác thực eKYC để giảm thiểu hoạt động giao dịch bất thường. Chỉ có như vậy, việc xác thực điện tử mới chặt chẽ hơn.
Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp, cán bộ Agribank trên mọi miền của Tổ quốc luôn nhận thức cao trách nhiệm trong xây dựng những “lá chắn” kịp thời bảo vệ tài sản khách hàng, thường xuyên chủ động cập nhật những thông tin hình thức lừa đảo mới để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm. Đặc biệt, Agribankers luôn cẩn trọng trước những giao dịch bất thường của khách hàng, khéo léo tìm hiểu và hỗ trợ khách hàng trước những tình huống lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
PV
(function(d, s, id) {
var js, fjs = d.getElementsByTagName(s)[0];
if (d.getElementById(id)) return;
js = d.createElement(s); js.id = id;
js.src=”https://connect.facebook.net/vi_VN/sdk.js#xfbml=1&version=v3.2&autoLogAppEvents=1″;
fjs.parentNode.insertBefore(js, fjs);
}(document, ‘script’, ‘facebook-jssdk’));
Nguồn