Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử đã được xác định là một giải pháp quan trọng. Trong đó, ưu điểm hàng đầu mà chữ ký số mang lại là sự nhanh gọn trong thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch điện tử, không cần trực tiếp ký tay.
Cấp chữ ký số miễn phí cho người dân
Mới đây (29/7), Thừa Thiên Huế bắt đầu cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn. Trong chiến dịch này, với sự cam kết của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, người dân sẽ được cấp chữ ký số với các chính sách hỗ trợ, như miễn phí trong vòng 1 năm bao gồm phí khởi tạo chữ ký số và ký số dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ khác sử dụng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo khung giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số. Tùy vào chính sách của mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ, người dùng có thể lựa chọn thay đổi đơn vị khác hoặc tạm dừng cho đến khi có nhu cầu trở lại mà không bị bất cứ ràng buộc nào khi kết thúc chương trình hỗ trợ sau 1 năm.
Việc triển khai sử dụng chữ ký số đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân như tăng cường bảo mật, giảm chi phí hoạt động, cải thiện năng suất, nâng cao trải nghiệm người dùng.
Vừa đăng ký khởi tạo chữ ký số cá nhân, chị Nguyễn Thanh Nga (TP. Huế) – chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chia sẻ: Thay vì phải in ra giấy và ký tay các hợp đồng, thủ tục hành chính rồi gửi cho đối tác, đi nộp cho cơ quan chức năng, lưu trữ thêm một bản…giờ đây, mình có thể ngồi nhà làm nhanh gọn qua mạng. “Qua tìm hiểu, những người dùng đã đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số đều thấy rõ sự vượt trội cả về thời gian lẫn tiện lợi so với cách ký tay truyền thống”, chị Nga nói.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, chữ ký số đang được triển khai rộng rãi nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp. Tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng chữ ký số trong cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn còn rất khiêm tốn, dẫn đến các giao dịch liên quan đến cá nhân còn thực hiện theo phương thức truyền thống trên giấy, gây lãng phí, không đảm bảo tính xác thực.
“Việc cấp chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công, thủ tục hành chính… được nhanh hơn, thuận tiện hơn, đồng thời đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch, từ đó sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành công dân số trên địa bàn tỉnh”, ông Bình cho hay.
Rào cản từ người dùng
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Xuân Sơn, sau khi kích hoạt chiến dịch cấp chữ ký số cho người dân thông qua 3 hình thức: Doanh nghiệp hỗ trợ cấp trực tiếp tại hộ gia đình, đăng ký trực tuyến qua ứng dụng của các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số và đăng ký nhu cầu qua Hue-S, chỉ trong một tuần triển khai, chương trình đã cấp và tiếp nhận đăng ký gần 2.000 chữ ký số cho người dân. “Đây là những kết quả rất đáng khích lệ thể hiện sự đồng hành của các doanh nghiệp, sự quan tâm của người dân trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Sơn nói.
Tuy vậy, việc triển khai chiến dịch cũng đã phát sinh một số bất cập, như nguồn lực các doanh nghiệp chưa sẵn sàng, nhất là các doanh nghiệp không có chi nhánh tại Thừa Thiên Huế. Nhận thức của người dân chưa đủ “chín” để đẩy nhanh, mạnh chiến dịch. Ngoài ra, các nền tảng hỗ trợ cho việc sử dụng chữ ký số chưa nhiều nên chưa thu hút được nhiều người dân tham gia.
Để đạt mục tiêu chiến dịch đề ra, trong thời gian tới, theo người đứng đầu Sở TT&TT, đơn vị sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến trên Hue-S, sớm đưa giá trị chữ ký số vào cuộc sống; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức đồng thời huy động nguồn lực truyền thông của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự da dạng thông tin giúp người dân tiếp cận. Phối hợp với các doanh nghiệp tích hợp các dịch vụ, tiện ích chữ ký số lên Hue-S. Ngoài ra, “Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp huy động thêm nguồn lực như cam kết nhằm kích hoạt kịp thời với các nhu cầu đăng ký trực tuyến cũng như tăng cường về tận hộ gia đình cấp chữ ký số cho người dân”, ông Sơn nói.
Tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai chương trình phổ cập chữ ký số cho toàn dân trong vòng 12 tháng, với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Trong 3 tháng đầu tiên, các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số cam kết triển khai sẽ đến từng hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát chữ ký số cho toàn dân. Giai đoạn 2: 9 tháng kể từ thời gian kết thúc giai đoạn 1, người dân chưa được cấp phát sẽ chủ động qua các kênh được công bố để đăng ký cấp phát và việc đến tận hộ gia đình hỗ trợ tùy thuộc vào chương trình của các doanh nghiệp.