Nhận định về thị trường chứng khoán, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) kỳ vọng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ dần quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh chi phí cơ hội giảm xuống, điều kiện tín dụng dần nới lỏng và chi phí tài chính giảm giúp cải thiện triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong những quý tới.
Xu hướng đảo chiều của chính sách tiền tệ rõ nét
Theo VNDIRECT, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục có một đợt cắt giảm lãi suất điều hành vào chiều ngày 31/3; áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước mua thêm được khoảng 800 triệu USD dự trữ ngoại hối trong tuần qua. Những thông tin này cho thấy, xu hướng đảo chiều của chính sách tiền tệ đã rõ nét.
Đối với xu hướng giao dịch tuần tới (từ 10 – 14/4), VNDIRECT kỳ vọng chỉ số VN-Index duy trì xu hướng tăng chậm rãi và hướng tới vùng kháng cự từ 1.080-1.100 điểm.
“Trước vùng cản mạnh, nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng nhất định và hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao. Nhà đầu tư chỉ xem xét mua vào cổ phiếu trong những phiên điều chỉnh, ưu tiên những ngành có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm nay như đầu tư công, ngân hàng hoặc ngành ở đầu chu kỳ phục hồi như thép, vật liệu xây dựng, chứng khoán”, VNDIRECT khuyến nghị.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), về tình hình vĩ mô, điểm tích cực là lãi suất của Việt Nam đang có xu hướng giảm trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đi đến giai đoạn cuối của tiến trình tăng lãi suất, Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Tuy nhiên, những khó khăn về vĩ mô vẫn còn nhiều khi rủi ro và khó khăn của thị trường trái phiếu, bất động sản chưa thể giải quyết sớm, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng bấp bênh và đối diện với nguy cơ suy thoái do lạm phát cao và bất ổn trong lòng nước Mỹ và châu Âu do xung đột Nga – Ukraine tiếp tục có xu hướng leo thang, hệ thống ngân hàng thương mại ở Mỹ và Thụy Sĩ, Đức đang có những rủi ro về thanh khoản… Do đó, trong bối cảnh tốt xấu đan xen như hiện tại, xu hướng tích lũy cũng là xu hương hợp lý đang diễn ra.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, đà tăng của VN-Index đã dần chững lại trong tuần vừa qua và chịu áp lực điều chỉnh vào hai phiên cuối tuần cho thấy tâm lý thận trọng đã quay trở lại.
Vào phiên cuối tuần, tuy tốc độ giao dịch cũng như thanh khoản toàn thị trường vẫn được duy trì ở mức trung bình 10 phiên, nhưng việc chỉ số chung liên tục mất điểm cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn chưa dừng lại.
Sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần thứ hai trong tháng 3, mặt bằng lãi suất huy động đã tạo đỉnh và giảm 50-80 điểm trong quý I. Đây được xem là tiền đề quan trọng để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo giảm thêm sau khi các quyết định lãi suất mới dần có hiệu lực. Cùng đó, nguồn cung ngoại tệ diễn biến thuận lợi giúp Ngân hàng Nhà nước có điều kiện thực hiện việc mua ngoại tệ tăng cường dự trữ ngoại hối.
Theo VNDIRECT, sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán tuần qua đã rung lắc mạnh do áp lực chốt lời ngắn hạn. Cụ thể, sau thông tin Ngân hàng nhà nước tiếp tục hạ một số lãi suất điều hành cuối tuần trước, chỉ số VN-Index đã bắt đầu tuần này bằng một phiên bùng nổ 14,6 điểm lên mức 1.079,3 điểm. Sau nhiều phiên tăng điểm liên tiếp, chỉ số VN-Index đã gặp áp lực chốt lời ngay sau đó với 3 phiên giảm và một phiên tăng. Áp lực chốt lời diễn ra mạnh vào phiên thứ 5 (6/4) với mức giảm 0,9% cùng với thanh khoản gần gấp đôi trung bình 20 tuần.
Tuy nhiên, áp lực bán đã suy yếu vào phiên cuối tuần, đưa chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.069,7 điểm, tăng 0,5% so với tuần trước. Bên cạnh đó, chỉ số HNX-Index và UPCOM-Index tiếp tục tăng mạnh lên mức 211,6 điểm, tăng 2 % so với tuần trước và 78,2 điểm, tăng 1,8% so với tuần trước.
Thị trường tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về thanh khoản với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 34,4% lên mức 15.787 tỷ đồng/phiên. Trong bối cảnh chỉ số VN-Index hồi phục, khối ngoại tiếp tục gia tăng giá trị bán ròng trên sàn HOSE lên mức 736 tỷ đồng, tăng 405,8% so với tuần trước. Tương tự, khối ngoại cũng bán ròng 44 tỷ đồng trên sàn HNX, tăng tới 4.066% so với tuần trước và 3 tỷ đồng trên sàn UPCOM, trong khi tuần trước nhà đầu tư mua ròng 13 tỷ đồng trên UPCOM.
Tuần qua, mặc dù tiếp tục tăng điểm tuần thứ 3 liên tiếp, chỉ số VN-Index lại chứng kiến sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Cụ thể, các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn đã hứng chịu sự điều chỉnh, bao gồm VCB giảm 1,5%, BID giảm 1,2% và VPB giảm 0,7%. Trong khi đó, những ngân hàng có vốn hóa thấp tăng giá tích cực như TCB tăng 4,2%, TPB tăng 4,1% và SHB tăng 7,9%.
Tương tự với ngành bất động sản, VHM và VIC đều giảm trong khi các cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ hơn lại tăng giá khà mạnh như NVL tăng 5,5%, NLG tăng 9,3%, BCG tăng 25,5%, DIG tăng 25,9%,
Trên bối cảnh thanh khoản được cải thiện, nhóm chứng khoán cũng có đà tăng ấn tượng. Có thể kể đến như BSI tăng 15,6% và SSI tăng 4,7%.
Chứng khoán thế giới trước lo ngại suy thoái
Khi tốc độ giao dịch cũng như thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong nước vẫn được duy trì ở mức trung bình 10 phiên thì trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch rút ngắn hơn thông thường ngày 7/4 do các thị trường chuẩn bị đóng cửa nghỉ lễ Phục Sinh, các chỉ số chứng khoán Phố Wall hầu hết cũng tăng nhẹ sau khi báo cáo việc làm tháng 3/2023 cho thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi và lạm phát giảm nhẹ.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,2%, chỉ số công nghiệp Dow Jones cộng thêm 55 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đi ngang.
Báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy trong tháng 3/2023, các lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này đã tạo thêm 236.000 việc làm. Dữ liệu của tháng Hai cũng được điều chỉnh cao hơn với 326.000 việc làm được tạo thêm, thay vì 311.000 như báo cáo trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhẹ xuống 3,5%, từ mức 3,6% trong tháng 2/2023.
Tính từ phiên giao dịch 3 – 6/4, chỉ số S&P 500 đã mất 0,1%, phá vỡ chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp do một loạt dữ liệu về việc làm không mấy tích cực cho thấy suy thoái kinh tế có thể đang cận kề. Chỉ số Nasdaq Composite đã giảm 1,1% trong tuần, trong khi chỉ số Dow tăng nhẹ.
Đầu tuần này, báo cáo việc làm trong lĩnh vực tư nhân của ADP đã cho thấy sự chậm lại đáng kể trong tháng 3/2023, dự liệu của Bộ Lao động cho thấy cơ hội việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cao hơn dự kiến.
Thị trường Seoul dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán châu Á trong phiên này, với mức tăng hơn 1%, khi cổ phiếu của Samsung khởi sắc sau khi “ông lớn” này cho biết sẽ giảm sản lượng chip do nhu cầu yếu, từ đó làm tăng kỳ vọng giá mặt hàng này sẽ tăng lên.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,2% lên 27.518,31 điểm, trong khi tại hượng Hải, chỉ số Shanghai Composite ghi thêm 0,5% lên 3.327,65 điểm. Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường Bangkok và Đài Bắc (Trung Quốc). Phiên này, thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đóng cửa nghỉ lễ.