Câu chuyện bia Huda
Ra đời vào năm 1990, đến nay Huda đã trải qua hơn 30 năm đồng hành với Thừa Thiên Huế, trở thành một thương hiệu phổ biến không chỉ ở Huế mà đang vươn xa ra các tỉnh, thành Việt Nam. Sự lớn mạnh của Huda khởi nguồn từ sự ủng hộ nhiệt thành của người dân xứ Huế bao năm nay, là “rào cản” khó với các thương hiệu bia nổi tiếng khác khi tấn công vào thị trường Thừa Thiên Huế.
Với thành tựu doanh thu ngày một tăng cao, Huda là một trong những đơn vị có đóng góp đáng kể vào nguồn thu của tỉnh, có năm đóng góp vào ngân sách từ bia lên đến 25 – 30%. Huda còn đồng hành với tỉnh trong các chương trình nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân địa phương thông qua các chương trình tài trợ thể thao, văn nghệ, thiện nguyện, âm nhạc hiện đại.
Không chỉ có Huda, Huế còn có nhiều thương hiệu tốt có tiềm năng phát triển mạnh, như thời trang áo dài, đặc sản ẩm thực Huế, nông sản Quảng Điền, mè xửng, trà Cung đình, dầu tràm, mắm, tranh thêu, nón lá, điêu khắc gỗ… Về tiêu chí của người tiêu dùng, hai yếu tố quan trọng để ủng hộ một sản phẩm là giá cả và chất lượng, hai yếu tố tiếp theo là phân phối và quảng bá.
Thế nhưng, nhìn vào các sản phẩm địa phương thì chỉ mạnh ở yếu tố chất lượng còn yếu tố về giá cả, phân phối và quảng bá đều chưa cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Một ví dụ điển hình là thời trang áo dài Huế có chất lượng vượt trội về thẩm mỹ và chất lượng vải nhưng giá thành sản phẩm cao, thời gian may dài, địa điểm uy tín khó tìm kiếm và công tác quảng bá hạn chế. Các rào cản đó một doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã khó có thể một mình vượt qua, mà rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ chính quyền địa phương và cả cộng đồng người tiêu dùng địa phương.
Nương tựa để cùng phát triển
Vai trò đầu tàu của chính quyền giữ vị trí quan trọng trong việc xác định lĩnh vực và doanh nghiệp cần kiến tạo trở thành đầu tàu kinh tế của địa phương. Như vậy, tỉnh có đủ nguồn lực để tập trung phát triển về dài hạn và đi đến mục tiêu cuối cùng là doanh nghiệp vững chắc thị trường nội địa, đủ sức thâm nhập thị trường bên ngoài. Công cụ hỗ trợ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trên chính sách và đầu tư phù hợp với pháp luật.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Huế đóng vai trò then chốt cho sự chuyển mình của doanh nghiệp nội địa. Thông qua tuyên truyền, người dân dần nâng cao tinh thần tự hào, yêu sản phẩm quê hương từ chiếc áo dài Huế, từ ẩm thực Huế, đặc sản Huế, thanh trà Thủy Biểu, cam Nam Đông,… Tất cả các sản phẩm đó đều gắn liền với hình ảnh của cha ông, gắn liền với công sức của bạn bè, người thân, lối xóm như câu nói: Huế đi mô cũng chộ người quen.
Đối với doanh nghiệp Huế tiềm năng cần tập hợp lại theo ngành nghề để cùng đoàn kết thành thương hiệu mạnh, học hỏi lẫn nhau, cạnh tranh để cùng cải tiến chất lượng sản phẩm, hợp lý về giá cả để làm hài lòng người dân Huế, sau đó mới đến người tiêu dùng ngoài tỉnh. Và để doanh nghiệp có đủ nguồn lực phát triển, chính quyền cần khéo léo đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp để gỡ khó và thúc đẩy doanh nghiệp hóa rồng; để một ngày không xa, Huế không chỉ có Huda mà còn có những thương hiệu gợi nhớ đến Huế vươn xa khắp tỉnh thành Việt Nam và nước ngoài tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp nòng cốt đủ mạnh để nâng tầm kinh tế Huế và tạo ra một thế hệ lao động tay nghê cao, giàu có hơn.