Nhà bà Nữ là phim điện ảnh thứ hai do Trấn Thành làm đạo diễn kiêm thủ vai. Lần này, anh vào tuyến thứ chính, nhường đất cho em gái ruột Uyển Ân.
Uyển Ân vào vai Ngọc Nhi, con gái út của bà Nữ bán bánh canh cua (Lê Giang đóng). Vốn bị chồng bỏ rơi và phải một mình nuôi con, bà Nữ rất độc đoán, luôn định hướng Ngọc Nhi theo nguyện vọng của bà, đồng thời cấm cản con giao du với đàn ông.
Tuy nhiên, bà càng cấm thì hai đứa con gái càng làm ngược ý mẹ. Sau khi chị cả Ngọc Như (Khả Như) bất chấp cưới anh shipper Phú Nhuận (Trấn Thành), đến lượt Ngọc Nhi có thai với tình đầu của mình – chàng Việt kiều John (Song Luân). Mâu thuẫn thế hệ cùng những ẩn ức khiến ba mẹ con không ít lần “khẩu chiến”, đến mức mạt sát nhau.
Đến với phim điện ảnh thứ hai, Trấn Thành tiếp tục gắn bó với đề tài gia đình, chủ trương khai thác mâu thuẫn thế hệ để tạo sự đồng cảm với khán giả. Nếu như phim ảnh quốc tế như The Farewell hay Xin chào, Lý Hoán Anh chọn đào sâu vào nét văn hóa Á đông để mang đến sự thức tỉnh tinh tế, ý nhị; thì Trấn Thành đặt người xem vào những chiếc ghế gỗ đối diện mâm cơm gia đình, làm khán giả bất đắc dĩ xem phụ huynh và con cái chì chiết, mắng chửi nhau.
Nếu tâm điểm của Bố già là khi Quắn (Tuấn Trần) tức giận đập bàn ghế còn Ba Sang (Trấn Thành) văng tục và nói “Tao thương mày mà“, thì Nhà bà Nữ cũng đẩy cao trào bằng một câu thoại gây nhói. Khi dũng cảm đối mặt với sự hà khắc của mẹ, Ngọc Nhi cũng mất bình tĩnh và nói: “Con thà thất bại trong giấc mơ của con, còn hơn thành công trong giấc mơ của mẹ”. Câu thoại có thể nhận được sự đồng cảm của thế hệ Gen Z, nhưng cũng khiến ai đang là cha mẹ nhói lòng.
Quyền được thất bại để trưởng thành là một giá trị mới với mặt bằng chung phim Việt, nên việc Trấn Thành đưa vào phim của mình rất đáng khen. Song, do cách truyền tải còn nặng tính giáo điều với phần thoại quá dày đặc, người xem thấy mệt mỏi hơn là đồng cảm. Nếu so sánh với nhân vật Quắn đã có trong tay sự nghiệp, thì Ngọc Nhi trong tình trạng vẫn sống nhờ tiền tiêu vặt mẹ cho, tiền người yêu làm lụng kiếm được, thực tế không có tư cách cãi tay đôi bà Nữ.
Nhắc đến thoại phim, khán giả lắc đầu ngao ngán với những câu thoại xa rời thực tế, được làm quá để khắc họa tính cực đoan của bà Nữ. Khi thấy Ngọc Nhi để móng chân dài, người mẹ mắng “Con để móng chân dài người ta nói nhà mình thiếu đạo đức”. Ngọc Nhi và John bỏ nhà ra riêng, kinh tế vốn khó khăn. Tuy nhiên, cô thường tổ chức tiệc tùng cùng bạn bè, còn trách anh bồ “Sao anh mua bò thường, đã dặn mua wagyu mà?”. Chi tiết tỏ rõ sự phi lý của nhân vật.
Nếu có thể đổi mật độ những câu chửi, miệt thị nhau trên phim thành tiền, có lẽ Nhà bà Nữ không còn tính doanh thu ngoài rạp thì vẫn có lời. Bà Nữ chửi con nặng nề, bất chấp, Ngọc Như gọi chồng bằng “mày” bất kể thời gian, Ngọc Nhi trách bà Nữ nhưng sau cũng đối xử với John tệ không kém. Thông điệp vòng lặp được Trấn Thành cố gắng cài cắm, song do mọi thứ đều quá lộ liễu nên phim thiếu đi chất điện ảnh “show, don’t tell” (thể hiện, chứ đừng kể lể).
Trấn Thành quên “khẩu súng của Chekhov”
Bố già dù thiếu cao trào và hơi giống web-drama, song ít nhất phim có gỡ gạc nhờ những góc quay có đầu tư, điển hình là cảnh one-shot dài 1 phút ở đầu tác phẩm.
Đến Nhà bà Nữ, hình tượng ấn tượng nhất xuất hiện trong 1 phút đầu, khi máy quay lia cận những con cua được chà sạch và ném ngổn ngang trong chậu. Trấn Thành có lẽ muốn dùng hình ảnh lũ của bị buộc dây để nói về người con/ người chồng chịu sự kìm kẹp hà khắc, song về sau không thể hiện được giá trị này qua phần nhìn.
Nhà bà Nữ lộ điểm yếu khi có quá nhiều góc quay hẹp, hay những góc máy ngang thiếu chiều sâu. Vì thế, những cảnh quan trọng như khi John và Ngọc Nhi gặp nhau, khi bà Nữ cãi nhau với Ngọc Nhi, hay cảnh kịch tính ở cuối phim thiếu đi sức nặng cần thiết. Với dàn diễn viên quen thuộc gồm Trấn Thành, NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Lê Dương Bảo Lâm,… phim nhiều lúc giống các web-drama mà Trấn Thành từng sản xuất thay vì một sản phẩm điện ảnh thực thụ.
Dường như, Trấn Thành còn thiếu sự bài bản khi ngồi “ghế nóng”. Trong phim ảnh thường có khái niệm foreshadowing hay “khẩu súng của Chekhov”, tức nếu đạo diễn quay hình ảnh một khẩu súng ở đầu phim, đến cuối phim khẩu súng ấy phải được bắn. Nói rộng ra, thì để một cao trào ở cuối phim vừa lòng khán giả, nó phải được cài cắm ngay từ đầu. Đây là điều mà hai phim của Trấn Thành đều thiếu.
Trong Bố già, tình tiết người chú bị giang hồ đâm chết trước khi kịp hiến tạng cho Ba Sang bất hợp lý, bởi trước đó người chú đã được gia đình trả gần hết nợ cho chúng. Đến Nhà Bà Nữ, việc Ngọc Nhi bị giật điện thoại dẫn đến sẩy thai quá ngẫu hứng, tạo cảm giác biên kịch “bí” trong việc tạo kịch tính.
Điểm cộng duy nhất là lối diễn tự nhiên của các nghệ sĩ gạo cội như NSND Ngọc Giàu, NSND Việt Anh. Ngoài ra, Trấn Thành cũng là một điểm sáng diễn xuất trong phim, nổi bật hơn hẳn các gương mặt như Uyển Ân, Khả Như, Song Luân. Trong khi đó, một số nhân vật thừa, không có nhiều giá trị cho kịch bản phim, đơn cử như Lê Minh Hổ (Lê Dương Bảo Lâm).
Nhà bà Nữ cơ bản có nhiều điều thừa thãi, thậm chí tồn tại những lỗ hỏng để được coi là một phim điện ảnh đúng nghĩa. Tuy nhiên, phim đang kiếm bội tiền và thu hút khán giả trong những ngày Tết. Đó có thể cũng là một tín hiệu mừng của thị trường nhưng cũng một lần nữa cho thấy không phải cứ phim nhanh chóng lập kỷ lục là phim chất lượng.
(Nguồn: Zing News)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo