Ngày 9.8 tại TP.HCM, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn thành chuỗi Hội thảo Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực bảo vệ nạn nhân.
Theo thông cáo của IOM, gần 200 đại biểu đại diện các cơ quan từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cùng đại diện đến từ các Đại sứ quán, các viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và Liên Hiệp Quốc đã tham gia chuỗi hội thảo tại Hà Nội và TP.HCM.
Các đơn vị đã tích cực chia sẻ đánh giá về việc triển khai và phối hợp công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong giai đoạn 2021- 2023, xác định những lĩnh vực cần thúc đẩy hơn nữa trong kỳ sau của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, các đại biểu tập trung vào những nội dung cần đề xuất trong quá trình sửa đổi luật và đánh giá chính sách trong tương lai.
Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, đã tham gia sự kiện ở TP.HCM, đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. Bà cũng khẳng định vai trò quan trọng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan đã tăng cường quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Bà Park khẳng định IOM sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các đối tác để đạt được các mục tiêu của Chương trình phòng, chống mua bán người, tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội nói rằng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của IOM với công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Từ năm 2017, IOM đã hỗ trợ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các đối tác tại các địa phương thử nghiệm nhiều mô hình, hỗ trợ tái hòa nhập thành công cho 729 nạn nhân tại 6 tỉnh.
Mặt khác, tại hội thảo, các đại biểu cho biết các thủ đoạn mà những kẻ mua bán người sử dụng ngày càng trở nên tinh vi, đặc biệt là với các hoạt động tuyển mộ trên không gian mạng ngày càng gia tăng, khó phát hiện và khó ngăn chặn hơn. Do đó, số lượng nạn nhân bị mua bán và những người cần được bảo vệ cũng tiếp tục gia tăng.
Đại tá Phạm Long Biên, Cục phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trích báo cáo của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho hay tỷ lệ nạn nhân là nam giới so với trước đây đã tăng, hay tỷ lệ mua bán người với mục đích cưỡng bức lao động (38%) cao hơn bóc lột tình dục (28,7%). Hiện nay, nạn nhân cũng có thể là người có trình độ học vấn cao. Điều này cho thấy, xu thế mua bán người đang dịch chuyển và đòi hỏi định hướng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phù hợp, đúng đối tượng.