Vì sao nhiều người phát hiện dị vật trong những món ăn thì “bóc phốt” lên mạng xã hội mà không gọi cơ quan chức năng?
Không tìm được tiếng nói chung với quán
Cách đây không lâu, bài đăng trên một hội nhóm ẩm thực có hơn 2,2 triệu thành viên tố một quán bún đậu ở TP.HCM phục vụ món ăn có dòi cho khách bỗng nhận được sự quan tâm của dư luận.
Liên lạc với chị H.L (24 tuổi, ngụ TP.HCM) là chủ nhân bài đăng, vị khách này cho biết đây không phải là lần đầu tiên chị gặp phải “dị vật” khi đi ăn ở một hàng quán nào đó. Tuy nhiên, lần này mọi chuyện đi quá xa, buộc chị phải đăng bài lên mạng xã hội vì không tìm được tiếng nói chung với quán.
“Mình làm “căng” là do cách xử lý ban đầu của quán. Khi phát hiện ra thì mình cũng báo nhân viên kiểm tra lại và mong muốn nhận lời xin lỗi và giải thích thỏa đáng thôi. Nhưng từ đầu tới cuối bên đó vẫn muốn rẽ hướng của sự thật, dù mình đã nói dòi phát sinh trên miếng thịt, chưa đụng tới mắm tôm”, chị nói.
Chị H.L nói rằng bản thân mình làm trong ngành dịch vụ, cụ thể là marketing nên biết được rằng thái độ xin lỗi chân thành, dám nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho khách hàng là điều mà khi xảy ra sự cố doanh nghiệp cần làm.
Chị H.L
Nói về lý do đăng bài đánh giá quán ăn lên mạng xã hội, chị H.L cho biết bản thân chỉ muốn cảnh báo với mọi người, cũng như xem đó là một bài học để nhà hàng rút kinh nghiệm. Chị cho biết mình không báo với cơ quan chức năng đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, vì nghĩ rằng mọi việc nên dừng lại ở một bài đăng và bản thân chị cũng không biết chính xác nên phản ánh vụ việc tới cơ quan nào để giải quyết chuyện này.
“Mình biết, trong những vụ việc như vậy, người gánh chịu nhiều là chủ doanh nghiệp. Mình nghĩ sẽ còn những vấn đề phát sinh không kiểm soát được hết, nên cũng không muốn căng thẳng quá vào lúc xảy ra sự việc”, thực khách nói thêm và cho biết đến thời điểm hiện tại, chị vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng trước những động thái xin lỗi sau đó của nhà hàng. Vụ việc sau đó cũng dần lắng xuống, nhà hàng cũng kinh doanh trở lại bình thường.
Bức xúc trước cách xử lý của nhà hàng tại thời điểm phát hiện dị vật, cũng là lý do để anh T. (33 tuổi, ngụ TP.HCM) đăng bài tố lên mạng xã hội. Theo anh, mọi việc sẽ không “um sùm” nếu tại thời điểm phát hiện dị vật nhà hàng giải quyết những khiếu nại của anh một cách trách nhiệm, trung thực và không bẻ cong sự thật.
“Mình đã suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định chia sẻ những điều này lên mạng xã hội, nhưng nếu không chia sẻ thì anh tin chắc rằng không phải chỉ có một mình mình gặp trường hợp này mà những khách hàng khác sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”, anh nói về lý do đăng bài tố lên mạng.
“Không biết tố đến cơ quan nào!”
Cuối năm 2022, anh T.H (22 tuổi, ngụ Q.8) cũng từng đăng bài lên mạng xã hội tố phần lẩu mà mình ăn có 3 con dòi bên trong. Thời điểm đó, anh mô tả: “Để chắc chắn, tôi mới lấy ra xem thử, tôi bóp bóp thì thấy nước từ trong xịt ra. Tôi khá chắc chắn đây là con dòi. Không chỉ 1 mà có tới tận 3 con”.
Phản ánh vụ việc tới quán bán lẩu, anh H. được nhân viên cửa hàng làm một phần lẩu mới mang về, mà không có lời giải thích cụ thể của nhân viên. “Tôi đăng lên là để cảnh báo với mọi người kiểm tra kỹ trước khi ăn thôi.
Tôi nghĩ là đồ đông lạnh thì vẫn có tỉ lệ có dòi. Tôi không có ý bóc phốt hay đánh đồng các cửa hàng lẩu ở đây bẩn, vì tôi ăn ở đây hơn 3 năm nay và độ ngon thì không phải bàn”, anh nói về mục đích mình đăng bài lên mạng.
Theo anh T.H, khi vụ việc xảy ra, anh cũng không biết nên báo cáo với cơ quan chức năng nào để giải quyết vụ việc cũng như cảnh báo tới mọi người. Điều duy nhất anh có thế làm là đăng bài lên mạng xã hội vì những người trước đó, khi phát hiện những vụ việc tương tự đều làm thế.
Sau những động thái xin lỗi khách hàng, cũng như quá trình điều tra, phối hợp với một bên thứ 3 độc lập tìm hiểu mẫu vật, phía cửa hàng giải thích rằng đó chỉ là thành phần lành tính bên trong hạt ớt, không phải dòi. Sau đó, H. cũng chấp nhận lời giải thích, vụ việc cũng lắng xuống theo thời gian. Món ăn này của cửa hàng tiếp tục được thực khách ủng hộ cho tới nay.
Trong khi đó, chị T.T (24 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết cũng đã rất nhiều lần, trong quá trình trải nghiệm ẩm thực của mình, chị phát hiện nhiều “dị vật” trong món ăn như: cước chùi nồi, tóc, lông… Nhiều lúc, chị im lặng cho qua, những khi bức xúc, chị phản ánh với chủ quán.
Tuy nhiên, chị H. nói mình chưa từng đăng bài tố lên mạng xã hội hay gọi báo cơ quan chức năng phần vì không biết mình nên phản ảnh với cơ quan nào, thông qua số điện thoại nào, phần vì không có thời gian và sợ phiền phức đến với mình.
“Quán nào ăn mà gặp vậy thì lần sau mình không ghé lại. Làm ăn không có tâm thì sẽ không lâu bền được nên cũng không nên tố rùm beng làm gì. Nếu mình biết có cơ quan nào sẽ hỗ trợ mình khi đó, chắc chắn là mình sẽ báo”, chị nêu quan điểm.