Chia sẻ với Báo TG&VN, TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục cho rằng, nhiều người trẻ chưa định vị được mình, chưa thực sự hiểu thấu năng lực của bản thân khi theo đuổi ngành học nào đó.
TS. Cù Văn Trung cho rằng, không ít người trẻ chưa thấu hiểu, ‘định vị’ được bản thân khi chọn nghề. (Ảnh: NCVV) |
Nhiều người trẻ chưa “định vị” được mình
Theo ông, đâu là vấn đề sinh viên thường gặp phải trong lựa chọn nghề nghiệp của họ?
Khi còn trẻ, rất khó để họ có thể chọn lựa nghề nghiệp cho mình một cách đúng đắn ngay. Vấn đề này được hiểu như là “tuổi đến đâu thì nhận thức đến đấy”, sự khôn lớn và trưởng thành phải đi cùng năm tháng. Khó có thể kỳ vọng các bạn trẻ chọn lựa nghề không sai sót, thậm chí có người phải trải qua vài ba nghề trước khi tìm được đúng nghề phù hợp.
Qua thực tế làm việc và tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi thấy không ít người lựa chọn nghề nghiệp theo thị trường, theo ý thích của cha mẹ, theo cảm xúc nhất thời hoặc theo độ hot của ngành. Có bạn do thấy ngành học đó đang thịnh, đang hot hoặc mới mở thì theo. Có bạn lại nghe theo ý kiến cha mẹ là phải làm giáo viên, y tá, dược sĩ, nên học sư phạm, y dược… Có bạn học ngành nào cũng được, miễn là sinh viên của trường đại học lớn.
Tức là, họ chưa định vị được mình, chưa thực sự thấu hiểu năng lực của bản thân khi theo đuổi ngành học nào đó. Điều này kéo theo những sai lầm trượt dài, sự lãng phí nguồn lực, sự thích thú ban đầu nhanh chóng thay thế bởi tâm trạng chán nản, bỏ bê. Để rồi, một bộ phận bạn trẻ học cho xong, khi ra trường khó có thể tìm được một công việc tốt vì bản thân không được đào tạo về nghề theo ý muốn và khát khao tri thức.
Trong bối cảnh tâm lý vào đại học, tâm lý chuộng bằng cấp vẫn nặng nề như hiện nay thì cần lưu ý những gì trong công tác định hướng nghề nghiệp, thưa ông?
Theo tôi, tâm lý chuộng bằng cấp còn đeo đẳng lâu lắm, còn nặng nề như “vòng kim cô” luôn thường trực trong tâm lý của không ít thế hệ. Công việc của những người trẻ trong tương lai là nới dần cái vòng định kiến ấy, làm sao để tạo điều kiện để người trẻ rẽ hướng đi theo nhiều con đường, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Thực tế, tâm lý sính bằng cấp, thích con cái vào đại học và tìm mọi cách, khuyên răn đủ đường, đầu tư không tiếc tiền của để ôn tập, luyện thi cốt cho con mình vào được đại học đã khiến không ít tài năng bị thui chột. Nhiều học sinh có năng khiếu, có năng lực, thế mạnh ở một lĩnh vực ngành nghề và có thể trở thành tinh hoa, đỉnh cao của một nghề nào đó nhưng khi không được phân luồng, định hướng về nghề đúng đắn thì khả năng thành công không cao. Họ có thể chỉ là một người tay ngang, không chuyên, hoặc chỉ có thể “lẹt đẹt” trong lĩnh vực nghề nghiệp do cha mẹ định hướng mà khó lòng có thể tỏa sáng trên con đường lập thân, lập nghiệp.
“Tôi chỉ có một lời khuyên duy nhất đối với bạn trẻ là lựa chọn học nghề nào thì phải thực sự xuất phát từ tự do trong suy nghĩ, tự lập trong hành động và tự trọng trong cuộc sống”. |
Với sự nỗ lực rất lớn trong nhiều năm qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, thực trạng đó đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xã hội dần đề cao những người có tay nghề, khả năng tác nghiệp thực tế trong công việc một cách thành thạo, giỏi giang hơn so với người có nhiều bằng cấp nhưng chậm, lóng ngóng và nặng tính hàn lâm, sách vở.
Tất nhiên, để giảm bớt bệnh sính thành tích, cần tiếp tục tuyên truyền, giải phóng tư duy xưa cũ đến đại bộ phận người dân trong xã hội, cần chú trọng lan tỏa vấn đề này đến các thầy cô giáo trong trường THCS và THPT trên cả nước. Giáo viên là những người hiểu rõ tầm quan trọng của sở trường, sở đoản ở từng học sinh cũng như trình độ, năng lực của các em do mình chủ nhiệm, từ đó tư vấn trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Theo tôi, người thầy như những sứ giả truyền cảm hứng, thổi ngọn lửa khát vọng về ước mơ nghề nghiệp mà các em mong muốn. Đồng thời, chính từ các em học sinh sẽ góp phần tác động ngược lại, làm lay chuyển và thay đổi nhận thức, định kiến của không ít bậc phụ huynh về tư duy sính bằng cấp hiện nay.
Thay đổi nhận thức về bệnh thành tích
Đại học mọc lên như nấm sau mưa, chất lượng “thượng vàng hạ cám”, nếu không đủ trình độ để vào những trường đại học có chất lượng tốt, uy tín lâu năm thì nên theo học trường nghề. Tuy nhiên, có vẻ như bệnh sính bằng cấp vẫn chưa giảm và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ hiện nay?
Ở nước ta, không thiếu các câu cửa miệng như “nhất sĩ, nhì nông, một người làm quan, cả họ được nhờ; trai thì đọc sách ngâm thơ, dùi mài kinh sử để chờ đại khoa, trước là mát mặt sau là hiển thân” (hiển vinh)… Như vậy, người Việt rất đề cao vai trò của người có học, người làm thầy.
Khoảng 35 năm trở lại đây, các ngành nghề trong xã hội được trở lại với đúng giá trị thực tế của nó. Vấn đề nghề nghiệp đã giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn trong tổng phổ của nền kinh tế – xã hội của đất nước. Hiện nay, mọi thứ đã nhẹ nhàng hơn trước, nhiều cơ hội lựa chọn cho người lao động. Nói như vậy để thấy rằng, thay đổi một thói quen, một cách nhìn nhận của người Việt chúng ta cần phải có thời gian.
Bệnh sính bằng cấp, thích hình thức vẫn tồn tại. Vì vậy, cần một cộng đồng lên tiếng nỗ lực để thức tỉnh cho số đông thì vấn đề học nghề và tư duy sính bằng cấp sẽ được khắc phục trong tương lai.
Ngay bản thân tôi cũng không ít lần bị hỏi về việc bao giờ sẽ làm Phó Giáo sư, làm Giáo sư? Câu chuyển “sắm sửa”, “trang sức” thêm cho mình một cái mác nào lên người dường như là thói quen tư duy của không ít người. Họ nghĩ rằng, thêm thắt thật nhiều học hàm, học vị thì giá trị con người sẽ nhân lên gấp bội.
“Khi các bạn trẻ đạt tới năng lực để trở thành người là thợ cả, bàn tay vàng, là tinh hoa của nghề thì cái đẹp nó đến từ trong lao động, trong công việc. Cái đẹp ấy có sức hấp dẫn và tự tin đối với người đối diện. Sản phẩm của một người có tay nghề cao do học làm ra rất có giá trị và giá trị ấy bán được trong một thị trường rất cạnh tranh”. |
Thực tế không hẳn như vậy, bởi hiện nay một số cá nhân với bằng cấp cao vẫn chưa tương xứng với những bằng cấp mà họ có. Báo chí cũng đã đề cập nhiều về số lượng Tiến sĩ, Thạc sĩ đông đảo ở nước ta nhưng chất lượng các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học có tính ứng dụng cao vẫn… vắng bóng.
Nếu một bạn trẻ gặp ông nhờ tư vấn vì vẫn băn khoăn không biết có nên chọn học nghề, ông sẽ nói gì?
Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải biết bạn trẻ muốn học nghề với động cơ gì, do thúc bách bởi kinh tế gia đình hay học lực kém đành phải rẽ ngang hoặc do bạn ấy thích nghề nào đó. Và bạn trẻ ấy đã nghiên cứu về nghề ấy chưa, tìm hiểu ở đâu, ai mách bảo… Tất cả những điều đó nói lên sự nghiêm túc hay hời hợt của một người trẻ đang băn khoăn về việc chọn nghề.
Tôi chỉ có một lời khuyên duy nhất đối với bạn trẻ là lựa chọn học nghề nào thì phải thực sự xuất phát từ tự do trong suy nghĩ, tự lập trong hành động và tự trọng trong cuộc sống. Suy nghĩ quyết định học nghề có bị phụ thuộc không, do ai hay do mình, mình thích hay ai thích. Nếu mình thích thì mình quyết, mình thấy nó phù hợp với năng lực trình độ, sở trường thì mạnh dạn làm theo.
Con người tự lập sẽ trưởng thành và vượt qua được rất nhiều khó khăn, biến cố trong cuộc sống. Sự tự trọng đến một cách rất tự nhiên vì là người dám quyết, dám nhận trách nhiệm. Họ có thể theo đuổi tới cùng để bảo vệ cái nghề đam mê. Đó là con người có bản sắc, có chất lượng và có sự cuốn hút người khác sau này khi thao tác nghề nghiệp.
Nhìn ra bên ngoài, chúng ta có thể thấy ở nước Đức, nước Anh người nông dân ở đó rất tự tin về cái xúc xích họ làm, về củ cải họ muối… Họ không ngần ngại hay xấu hổ về nghề chân tay hay đứng bếp. Tức là, khi các bạn trẻ đạt tới năng lực để trở thành người là thợ cả, bàn tay vàng, là tinh hoa của nghề thì cái đẹp nó đến từ trong lao động, trong công việc. Cái đẹp ấy có sức hấp dẫn và tự tin đối với người đối diện. Sản phẩm của một người có tay nghề cao do học làm ra rất có giá trị và giá trị ấy bán được trong một thị trường rất cạnh tranh.
Xin cảm ơn ông!