Đến giờ thì phần lớn công ty cổ phần niêm yết đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Bên cạnh thông tin về tình hình kết quả kinh doanh của một năm, báo cáo này cũng tiết lộ thêm những chi tiết khác như thu nhập của hội đồng quản trị (HĐQT), ban lãnh đạo công ty.
Theo thống kê của Dân trí với hơn 60 công ty bất động sản trên sàn chứng khoán, thu nhập của các chủ tịch HĐQT khá đa dạng.
Có những vị chủ tịch HĐQT theo trường phái không nhận thù lao, ví dụ như ông Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC), bà Thái Thị Thanh Hải của Công ty cổ phần Vincom Retail (mã: VRE), bà Đặng Thị Hoàng Yến của Công ty cổ phần Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (mã: ITA).
Cũng có người lại nhận mức thu nhập cao nhất trong doanh nghiệp. Ví dụ như năm vừa qua ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) hưởng mức thu nhập 11,97 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2021.
Những chủ tịch được nhận thu nhập cao phần lớn đều đến từ những doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trên thị trường. Ví dụ như ông Phạm Thiếu Hoa của Công ty cổ phần Vinhomes (mã: VHM) được nhận 3,96 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hùng của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – CTCP (mã: BCM) được nhận 3,63 tỷ đồng. Chủ tịch Mai Trần Thanh Trang của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH) có thu nhập là 3,17 tỷ đồng.
Hoặc một trường hợp khác là ông Nguyễn Xuân Quang của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long (mã: NLG) được hưởng thu nhập 5,14 tỷ đồng, tăng 46% so với mức 3,52 tỷ đồng của năm 2021. Cũng không quá ngạc nhiên khi năm vừa qua Nam Long là một trong số ít công ty có kết quả kinh doanh lạc quan khi thị trường bất động sản lao dốc.
Một điểm khá bất ngờ là ông Trần Thọ Thắng – Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC Group – mã: CKG) lại là người có thu nhập cao nhất với 13,71 tỷ đồng. CIC Group là công ty bất động sản nhỏ, ít người biết đến trên thị trường. Mức thu nhập của ông Thắng năm vừa qua thậm chí còn gần gấp đôi so với năm 2021.
Đây là công ty nào và đang hoạt động ra sao mà mạnh tay chi cho chủ tịch đến vậy?
Tính đến 2022, tập đoàn này có 10 công ty thành viên và 1 công ty liên kết.
Theo thông tin tự giới thiệu, đơn vị này được thành lập năm 1992 và là chủ đầu tư, nhà đầu tư nhiều dự án trọng điểm với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng tại TP Rạch Giá và tỉnh Kiên Giang.
Doanh nghiệp này nắm trong tay hàng loạt dự án khu dân cư, trung tâm thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng như bãi Cây Mến – Nam Du, Khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc TP Rạch Giá, Dự án khu dân cư chợ nông sản TTTM Rạch Giá, Khu biệt thự du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bãi Vòng (Phú Quốc), Khu biệt thự cao cấp Phú Quốc Rivea Villas, Dự án biệt thự cao cấp Búng Gội,…
Năm 2022, doanh thu thuần của tập đoàn này đạt 1.445,8 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 169,4 tỷ đồng, tăng 10,9%.
Công ty cho biết năm vừa qua doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh chủ yếu nhờ tăng mạnh doanh thu từ kinh doanh bất động sản. Nguyên nhân do dịch Covid-19 được kiểm soát nên tiến độ hoàn thành thi công các dự án bất động sản được đảm bảo theo kế hoạch và nhu cầu nhà ở tại địa phương tăng, dẫn đến số lượng các căn hộ được bàn giao tăng mạnh, đặc biệt là dự án Khu đô thị lấn biển Tây Bắc TP Rạch Giá và dự án Khu dân cư Nam An Hòa.
Ngoài ra công ty này cũng tiết kiệm tối đa chi phí và công nợ trong năm nên đã thu hồi nhiều nên khoản dự phòng nợ phải thu giảm mạnh.
Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này có tổng tài sản trị giá 4.748,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với hồi đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với tỷ lệ 59,3%, chủ yếu ở trong các dự án khu dân cư, Hoa Viên nghĩa trang vĩnh hằng, Biệt thự tại Phú Quốc.
Tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu ở mức 3,2 lần. Về vốn chủ sở hữu, tính đến ngày 31/12/2022, ông Thắng là người góp 79,1 tỷ đồng, tương đương khoảng 8,3% trong tổng giá trị 952,6 tỷ đồng.