Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về việc triển khai công tác truyền thông chính sách, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ đã đề nghị các bộ ngành và địa phương cung cấp danh sách đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách, người phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí để hình thành mạng lưới kết nối truyền thông trong toàn quốc.
Ông Đặng Khắc Lợi cho hay, ngay sau khi Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 765 QĐ-BTTTT ngày 28/4/2023 về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị này.
Đây là chương trình gồm rất nhiều nội dung, trong đó có một số nội dung chính: Thứ nhất là xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ kỹ năng cho đội ngũ truyền thông thuộc các bộ ban ngành và các địa phương, các phóng viên, biên tập viên và các cán bộ làm công tác thông tin cơ sở thực hiện công tác truyền thông chính sách, cung cấp thông tin cho báo chí.
Hai là, xây dựng Sổ tay về truyền thông chính sách. Cụ thể là, sau khi hoàn thành cuốn Sổ tay, Bộ sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho các địa phương, cho phóng viên các cơ quan báo chí trong cả nước. Dự kiến trong năm 2023, Bộ sẽ tổ chức tập huấn 3 lớp ở 3 khu vực Bắc – Trung – Nam. Phó Cục trưởng khẳng định, khi sổ tay được ban hành thì sẽ tổ chức ngay các lớp tập huấn này.
Ba là, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có Công văn số 2017/BTTTT ngày 31/5/2023 gửi các bộ ngành và địa phương đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách. Trong công văn Bộ đã đề nghị các bộ ngành và địa phương cung cấp danh sách đội ngũ thực hiện công tác truyền thông chính sách, người phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí để hình thành mạng lưới kết nối truyền thông trong toàn quốc.
Nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, trọng tâm thời gian tới, ông Đặng Khắc Lợi cho biết: “Đây là công việc chúng tôi sẽ thực hiện kỹ lưỡng, hướng đến 100% có đầu mối phát ngôn ở các bộ ban ngành trung ương; 100% có người phát ngôn ở UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương; 100% có đầu mối phát ngôn ở các sở ngành trực thuộc tỉnh thành phố; 100% có đầu mối người phát ngôn ở các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 100% có đầu mối người phát ngôn ở các xã, phường,thị trấn…Đây cũng là một trong những quy định tại Nghị định số 09 năm 2017 của Chính phủ về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước”.
Chia sẻ cụ thể về chiến lược triển khai đến thời điểm này, Phó Cục trưởng Cục báo chí cung cấp thêm thông tin: Theo thống kê thì chúng ta có khoảng 12.542 người phát ngôn từ cấp xã, phường thị trấn đến cấp Trung ương và đến nay Cục đã tổng hợp được khoảng 1.040 đầu mối người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đã tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ.
“Thời gian tới, khi tổng hợp được đầy đủ danh sách người phát ngôn ở các địa phương và các bộ ngành, chúng tôi sẽ đưa lên Cổng thông tin của Bộ. Việc này giống như việc đưa giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí lên Cổng vậy. Chắc chắn điều đó sẽ phần nào giúp cho các nhà báo dễ dàng nắm bắt thông tin về người phát ngôn từ cấp xã, cấp huyện trở lên, thuận lợi cho các hoạt động liên hệ tác nghiệp…” – ông Khắc Lợi cho hay.
Còn về vấn đề vướng mắc khi phối hợp và triển khai, ông Lợi cũng cho biết, hiện tại không có gì khó khăn cả. Nhưng để chủ động các phương án, Bộ đang nghiên cứu xây dựng phần mềm có chức năng cập nhật thông tin mới vì thực tế hiện nay, người phát ngôn thường thay đổi rất nhiều, có khi chỉ sau vài tháng. Nếu có hệ thống này, khi có thay đổi, các đơn vị chỉ cần cập nhật lên và Bộ có thể nhận được sự thay đổi đó…
Hà Vân