7h sáng, một ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại bến cầu Hàm Tử, cảng cá Quy Nhơn để đi sang Cù Lao Xanh và dễ dàng bắt gặp không khí nhộn nhịp nơi đây, rất đông du khách đang vui vẻ check in trên bến trước giờ xuất phát. Ngồi trên ca nô ngắm nhìn cảnh quan xung quanh, tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi ca nô lướt trên mặt biển. 30 phút trôi qua thật nhanh và đảo Cù Lao Xanh đã dần hiện ra trước mắt.
Xa xa bạn đã có thể nhìn thấy được các khu vực biển dọc đảo được trang hoàng rất đẹp để phục vụ du lịch. Dạo một vòng quanh đảo, Nhơn Châu rộn ràng với các hoạt động mua bán, các quán nước giải khát dọc theo gốc bàng mát rượi. Nhiều gian hàng bày bán các loại hải sản khô như cá, mực, rong biển, các loại mắm… Ở đây còn có rất nhiều nhà nghỉ, các homestay khang trang và tiện nghi.
Cách đây 10 năm, Cù Lao Xanh rất ít người biết tới, thậm chí kể cả những người ở trong tỉnh Bình Định. Là một xã đảo, xung quanh biển bao bọc, cách đất liền TP Quy Nhơn 24 km về phía Đông Nam và cách bờ tỉnh Phú Yên 12 km về phía Đông Bắc. Bà con trên xã đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sinh kế bấp bênh vì luôn chịu ảnh hưởng của mưa bão, triều cường, giao thông đi lại rất khó khăn. Nhưng từ có ánh sáng điện lưới quốc gia vào tháng 8/2020, cuộc sống người dân đảo Cù Lao Xanh theo đó cũng dần khởi sắc. Ngày ngày tấp nập những chuyến ca nô chở khách du lịch cập bến, những chuyến hàng từ đất liền gửi ra đảo.
Ông Trần Văn Mọn, 77 tuổi, chủ tịch Hội Người cao tuổi ở Nhơn Châu cho biết, trước đây, ở xã sử dụng điện từ trạm phát điện bằng máy diezel, chỉ phát điện có 12 tiếng trong ngày nên không đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sử dụng điện của người dân. Từ khi có điện lưới quốc gia, người dân trên đảo vô cùng phấn khởi. Ngoài việc thuận tiện trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày thì các dịch vụ du lịch có điều kiện phát triển. Du lịch phát triển, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng nên hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biển thủy sản của bà con xã nhà cũng phát triển hơn xưa .Từ đó đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao.
Theo báo cáo của UBND xã Nhơn Châu, địa phương có 136 phương tiện (thuyền, thúng) tham gia khai thác thủy sản, mỗi năm duy trì khai thác được khoảng 450 tấn cá, mực các loại; 48 hộ nuôi, với 129 lồng, 26 bè, thả nuôi 10.700 con tôm hùm và cá, mực các loại, thu nhập từ nuôi trồng thủy sản ước khoảng 7,5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó các hoạt động chế biến thủy sản ở địa phương cũng phát triển hằng năm sản xuất được khoảng 1.100 kg mắm cái, 1.320 lít mắm nước; 2.350 kg chả cá và các loại thủy sản phơi khô đóng gói, ước thu nhập khoảng 3,5 tỷ đồng/năm. Hiện nay Hợp tác xã Thủy sản Nhơn Châu đẩy mạnh sản xuất Chả cá Cù Lao xanh để cung cấp vào các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là sản phẩm chủ lực của địa phương đã được UBND tỉnh Bình Định chứng nhận ocop 3 sao và là sản phảm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh năm 2022.
Du lịch phát triển, người dân sắm mới các phương tiện ca nô phục vụ chở khách du lịch từ đất liền ra đảo và ngược lại, nên việc đi lại cũng thuận tiện hơn. Hệ thống giao thông trên địa bàn xã đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh với 14,38 km đường trục thôn (100%) đã bê tông hóa, 9,62 km đường ngõ xóm và 11 km các đường xung quanh đảo được cứng hóa. Bờ kè chắn sóng đã được xây dựng kiên cố nhằm bảo vệ khu dân cư trước mặt biển chống triều cường xâm thực.
Anh Nguyễn Hạ Lào, sinh năm 1985 kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xã cho biết, Nhơn Châu vừa có biển, vừa có núi, có rừng với vẻ đẹp nguyên sơ nên ngày càng đông du khách tìm đến đảo. Ước tình vào mùa du lịch, tại đảo đón tiếp khoảng 300-500 lượt khách/ngày. Theo đó, người dân trên đảo cũng bắt tay vào làm du lịch theo tiêu chí xanh – sạch – đẹp. Cùng với đó, nhà văn hóa, chợ và khu xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường… khiến đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Đường làng, ngõ xóm còn có thêm nhiều cây xanh, tranh bích họa, đảm bảo đúng chuẩn sáng – xanh – sạch – đẹp. Các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được tổ chức thường xuyên đã nâng cao đời sống tinh thần của người dân xã đảo.
Bên cạnh đó, dự án xây bể chứa nước ngọt cho tất cả gia đình trên xã đảo cũng đã được triển khai. Y tế được đầu tư, bác sĩ giỏi được tăng cường ra đảo để chăm sóc sức khỏe, khám bệnh cho người dân… Với những quan tâm đó, mọi người sẽ yên tâm bám biển, các thế hệ cùng nhau xây dựng cuộc sống.
Ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, thời gian tới xã Nhơn Châu sẽ đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú trên địa bàn; khuyến khích phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sinh kế người dân làng chài ven biển, đưa loại hình dịch vụ này trở thành thế mạnh, là bản sắc văn hóa riêng của du lịch xã Nhơn Châu; hỗ trợ người dân phát triển dịch vụ lưu trú homestay và các loại hình lưu trú trong dân gắn với bảo tồn kiến trúc làng chài ven biển phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay lò đốt rác Nhơn đang trong quá trình hoàn thiện, sắp tới đưa vào vận hành sẽ giúp Nhơn Châu giải quyết được tốt hơn rác thải sinh hoạt tại địa phương.
Được biết xã đảo Nhơn Châu đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, dự kiến về đích vào năm 2024. Ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong khu vực biên giới biển, là xã tiền tiêu trên biển của tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn được Quân khu 5 và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định công nhận là xã trọng điểm về quốc phòng-an ninh, Nhơn Châu thực sự đã, đang và tiếp tục đổi mới nhằm phát triển sinh kế bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển đảo.