Mưa lũ kéo dài, nhiều công trình thủy lợi, đường, nhà cửa sụt lún, hư hại, Đăk Nông công bố khẩn cấp về thiên tai để xử lý các tình huống không theo quy trình.
Ngày 8/8, Quyết định công bố tình huống khẩn cấp UBND tỉnh Đăk Nông được đưa ra nhằm ứng phó, khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi bị mưa lũ gây ra trong đợt mưa lũ vừa qua.
Theo UBND tỉnh, từ cuối tháng 7 đến 6/8, địa bàn xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa tại trạm Đăk Ha gần 400 mm. Hôm 1/8, thân đập và xung quanh hồ chứa nước Đăk N’Ting xuất hiện nhiều vết nứt. Đến nay, vết nứt khu vực đồi gần chân đập kéo dài khoảng 500 m, sâu hơn 150 m và chưa dừng lại.
Phần đồi bên phải đập bị sụt lún với diện tích khoảng 10 ha là đất hoa màu của người dân. Ước tính có gần một triệu m3 đất có nguy cơ bị sạt trượt. Thân đập cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn 10-20 cm. Đường trên thân đập nứt gãy, phần bêtông trồi lên, dịch chuyển cầu tràn khoảng 63 cm, gây mất ổn định công trình, an toàn đập và vùng hạ du.
Đối với quốc lộ 14 (đoạn qua TP Gia Nghĩa), đến nay vết nứt kéo dài khoảng 40 m, sụt lún 4,5 m, gây mất ổn định kết cấu công trình, ảnh hưởng an toàn tính mạng và tài sản 16 hộ dân ở gần.
Mưa lũ cũng gây sạt trượt dài 540 m tại Bon Bu Krăc và Bon Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức), cách chân đập thủy lợi Đăk Ké khoảng 300 m, đe dọa nhà cửa, cuộc sống hơn 200 người dang.
Về phương án ứng phó khẩn cấp và khắc phục, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan tính toán kịch bản vỡ đập, đường đi dòng nước ảnh hưởng vùng hạ du, khảo sát đưa ra phương án thoát nước khối trượt…
UBND tỉnh Đăk Nông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ hoặc đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí khoảng 50 tỷ đồng để khắc phục sự cố khẩn cấp hồ chứa nước Đăk N’Ting. Kinh phí này còn giúp địa phương khắc phục hậu quả thiên tai nhất là các công trình giao thông, thủy lợi bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ vừa qua.
Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái (thành viên đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân xuất hiện các vết nứt và các khối dịch chuyển, chủ yếu vẫn là do mưa nhiều và mưa kéo dài.
“Lượng mưa lớn nhất của tháng 7 hàng năm chỉ khoảng 400 mm, nhưng năm nay hơn 700 mm. Mưa nhiều làm tăng mực nước ngầm và giảm độ kết dính của đất, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa”, ông Thái nhận định.
Liên quan sự cố chứa nước Đăk N’Ting, ông Thái khuyến nghị tỉnh Đăk Nông cần có giải pháp xử lý tổng thể, hạ mực nước ngầm xuống; hạ mái dốc phần mái đào; xây các rãnh thoát nước để tránh nước mưa thấm vào khối trượt, đặc biệt dùng các biện pháp để gia tăng sự ổn định của khối trượt.
Đăk Nông được thành lập năm 2004 sau khi tách từ tỉnh Đăk Lăk. Tỉnh nằm phía Nam Tây Nguyên, gồm một thành phố và 7 huyện; diện tích hơn 6.000 km2; dân số trên 600.000 người (năm 2020), có nhiều dân tộc thiểu số như: Ê đê, Nùng, M’nông, Tày… Thế mạnh của tỉnh là các cây công nghiệp cà phê, cao su, hồ tiêu…
Ngoài Đăk Nông, mưa lũ bất thường năm nay còn tàn phá, gây thiệt hại cho nhiều tỉnh Tây Nguyên, miền Tây và nhất là nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.
Trần Hóa