Theo ghi nhận của Thanh Niên, dù chỉ mới đầu tháng 8, nhưng nhiều cửa hàng bánh trung thu, đặc biệt là những cửa hàng ven các trục đường lớn ở TP.HCM đã bắt đầu mở bán bánh.
Đa phần, các cửa hàng này nhập bánh từ những lò có tiếng về rồi bán lại. Còn ở các lò bánh trung thu ở TP.HCM, tình hình buôn bán, sản xuất bánh trung thu thời điểm này ra sao?
Bà chủ tiệm bánh Như Lan quyết không tăng giá
Từ đầu tháng 8, tiệm bánh trung thu Như Lan nổi tiếng ở TP.HCM của dì Gái (tên thật là Nguyễn Thị Dậu, 79 tuổi) bắt đầu trưng bày nhiều loại bánh trung thu truyền thống của tiệm lên kệ, đầy ắp.
Năm nay, bánh ở tiệm vẫn đa dạng với hàng chục loại nhân khác nhau cho khách lựa chọn, từ giá cả đắt đỏ cho tới bình dân: bánh trung thu nhân đậu xanh, dừa, sầu riêng, trà xanh, sen, vi cá, yến sào, gà quay, thập cẩm… và cả những loại bánh trung thu dành cho người ăn chay.
Các loại bánh có giá từ 50.000 – 750.000 đồng tùy loại nhân và kích cỡ. Bên cạnh đó, tiệm bánh này cũng phục vụ nhiều gói quà có giá từ 240.000 – 1.070.000 đồng phục vụ cho nhu cầu đa dạng của khách, từ bình dân tới cao cấp.
Dù còn 2 tháng nữa tới tới tết trung thu, nhưng dì Gái cho biết thời điểm này tiệm đã bắt đầu sản xuất bánh, sẵn sàng phục vụ cho cao điểm tết trung thu năm nay. Dù không khí trung thu ở tiệm bánh này bắt đầu náo nhiệt khi các doanh nghiệp, Việt kiều, thực khách cũng bắt đầu đặt bánh nhưng bà chủ tâm sự năm nay nhu cầu của khách giảm mạnh.
“Năm ngoái, giờ này, nhiều doanh nghiệp, công ty đã đặt bánh với số lượng lớn. Năm nay, đơn giảm 30 – 40%. Tuy nhiên, tiệm bánh của tôi, hễ có đơn của khách đặt là mình cứ làm hết sức, tận tâm.
Tiệm tôi, năm nay giá vẫn giữ nguyên không đổi, chứ không phải đợi trung thu rồi tăng giá với người ta. Giá này chúng tôi giữ 3 năm rồi, để người lao động người ta cũng mua được bánh với giá tốt, chứ kinh tế khó khăn, tăng lên nữa ai dám mua!”, bà chủ nói.
Đơn hàng ảm đạm hơn, lượng người bán ở các cơ sở bánh của dì Gái cũng cắt giảm một nửa. Theo bà chủ, hầu như năm nào khách cũng chuộng các loại bánh truyền thống ở Như Lan hơn so với những loại bánh mới, nên bà vẫn đẩy mạnh sản xuất và cung ứng các loại bánh này.
Chiều, anh Lý Hùng (34 tuổi, ngụ Q.8) ghé tiệm của dì Gái tham khảo menu bánh trung thu năm nay. Anh cho biết mình dự định đặt bánh tặng cho đối tác của công ty, suốt 4 năm nay đều tin tưởng tiệm bánh này.
“Nhắc tới trung thu thì ai cũng nghĩ tới bánh Như Lan đầu tiên mà. Tôi mua với số lượng cũng khá lớn nên giờ này đặt trước cho an tâm, giá cũng y như năm ngoái thôi. Bánh ở đây đóng gói đẹp, có nhiều set quà để chọn. Năm nay thấy có vẻ không khí trung thu tới sớm, ra đường đã thấy người ta bán rồi”, anh cho biết.
Lò bánh nức tiếng Chợ Lớn cũng náo nhiệt
Hơn 1 tuần nay, tiệm bánh trung Phương Diêm Thuận của gia đình anh Phương Triển Phong (44 tuổi) có tiếng ở Chợ Lớn đã mở cửa bán. Trong tiệm, bày trí bắt mắt thu hút sự quan tâm của nhiều người đi qua đường Phạm Phú Thứ (Q.6).
Anh chủ cho biết trong năm, chỉ dịp trung thu tiệm mới mở cửa sản xuất bánh và bán cho khách. Ngày bình thường, mọi người trong tiệm đều làm những công việc khác nhau.
Theo anh Phong, tình hình buôn bán đầu mùa trung thu không được như năm ngoái, số lượng bánh chuẩn bị sản xuất cũng khiêm tốn hơn đôi chút. Vì giá nguyên liệu đầu vào có phần tăng, nên tiệm anh tăng giá bánh trung thu từ 5 – 7% so với mọi năm.
Tương tự Như Lan, bánh ở đây cũng đa dạng các loại nhân, từ cao cấp tới bình dân với mức giá dao động từ vài chục tới vài trăm ngàn. Trong đó, tiệm có bán nhiều set quà với các mức giá khác nhau phù hợp để khách đem biếu, tặng, cao nhất là set có giá hơn 800.000 đồng.
“Vẫn là những bánh truyền thống được sản xuất nhiều. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, những loại bánh mới, như bánh trung thu nhân dứa ở tiệm của chúng tôi bán chạy, được khách chuộng hơn cả”, anh chủ nói.
Không phải ai cũng biết, tiệm bánh trung thu này có tiền thân là tiệm bán bánh bánh Tây (bánh cookie, bánh ngọt…) do cha của anh Phong, ông Phương Diêm Thuận thành lập trước 1975. Từ năm 1987, tiệm bắt đầu chuyển sang làm bánh trung thu với phong vị của người Triều Châu. Gia đình anh học nghề bánh trung thu cũng từ một lò bánh nổi tiếng khi xưa ở Chợ Lớn nhưng bây giờ đã không còn nữa.
“Bánh trung thu của người Quảng Đông thường chỉ có hai loại nhân là chủ yếu: nhân thập cẩm và nhân hạt sen. Trong khi đó, bánh của người Triều Châu thì phong phú với đủ loại nhân và có độ ngọt ít hơn”, anh Phong chia sẻ.
Lò bánh nằm ngay trong tiệm bánh của gia đình, anh chủ cho biết tiệm không phân phối bánh cho bất kỳ đại lý nào mà chủ yếu nhận đơn đặt hàng của khách mua sỉ cũng như bán lẻ.
Tìm hiểu thêm, tôi mới biết ông Thuận có 10 người con, 3 người đã sống ở nước ngoài nên tiệm bánh hiện tại do 7 người con của ông kế thừa, do anh Phong, là con trai út quản lý chính. Hiện cha của anh Phong sức khỏe vẫn tốt, mỗi dịp trung thu vẫn hay ra tiệm nhìn các con kế nghiệp “gia tài” mà ông tâm huyết gây dựng.
Trong khi đó, lò bánh trung thu Đông Hưng Viên nằm trên đường Bãi Sậy (Q.6) đầu tháng 8 cũng mở cửa. Dù chưa trang trí nhiều, nhưng phía lò cũng cho biết lúc này mở cửa là để có không khí trung thu, cũng là cách để báo với nhiều khách lò bắt đầu nhận đơn phục vụ cho dịp tết đoàn viên năm nay.
Đông Hưng Viên là thương hiệu quen thuộc với người Sài Gòn từ rất lâu trước năm 1975 cùng với các thương hiệu nay đã không còn nữa như Vĩnh Hưng Tường, Tân Tân, Long Xương, Đại Chúng, … Tuy nhiên, sau năm 1975, người chủ tiệm của Đông Hưng Viên đã sang Mỹ. Hai thợ làm bánh chính của tiệm này, một người là ông Bốc Mỹ Nguyên đã ra nước ngoài sinh sống, một người ở Sài Gòn (đã mất).
Thợ bánh chính của Đông Hưng Viên ở Sài Gòn (hoạt động từ 1975) hiện nay là anh Nguyễn Văn Hùng, học nghề từ ông Bốc Mỹ Nguyên, cũng như tiệm Đông Hưng Viên ở Sài Gòn không còn liên quan đến người chủ của thương hiệu Đông Hưng Viên bên Mỹ.