Mai Sơn – vùng quê giàu truyền thống, địa phương có tổ chức cách mạng đầu tiên của tỉnh và là hạt nhân, khởi nguồn phong trào cách mạng tháng 8/1945 ở Sơn La. Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn tiếp tục viết lên những trang sử cách mạng vẻ vang hào hùng cả trong kháng chiến và trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu khát vọng đưa Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Ngược dòng thời gian, đầu năm 1947, quân Pháp ồ ạt đánh chiếm châu Mai Sơn, nhiều vùng xung yếu của Mai Sơn bị địch chiếm đóng. Trước yêu cầu của cách mạng, để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong quần chúng, nhân dân và lực lượng vũ trang, ngày 20/11/1948, Tỉnh ủy Sơn La quyết định thành lập Ban cán sự Đảng châu Mai Sơn, đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Mai Sơn.
Trong Chiến dịch Tây Bắc 1952, để đập tan cứ điểm Nà Sản của thực dân Pháp, quân và dân ta liên tục tiến công, bao vây, cô lập, gây khó khăn cho việc tiếp viện đường bộ, đường không. Nà Sản không còn là bức tường thép, vì Sầm Nưa (Lào) cũng bị thất thủ. Trong thời gian ngắn, từ tháng 1 đến tháng 6/1953, số địch bị giết và bị thương lên tới 404 tên, bị bắt ra hàng 266 tên, thu 218 khẩu súng các loại, tiêu diệt nhiều ổ thổ phỉ, biệt kích, do thám. Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi, đẩy cứ điểm Nà Sản vào thế cô lập, ngày 10/8/1953, quân Pháp rút khỏi Nà Sản, Mai Sơn hoàn toàn giải phóng. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại đối với nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn.
Sau giải phóng, huyện Mai Sơn củng cố chính quyền, tham gia kháng chiến chống Pháp, góp phần quan trọng vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, trong đó, địa danh Ngã ba Cò Nòi đã trở thành “bản hùng ca lịch sử” – là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như “yết hầu” trên tuyến lửa, con đường vận tải, tiếp tế của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đi lên con đường chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong giai đoạn này, cùng với việc thành lập Nông trường Tô Hiệu vào năm 1958, Nông trường Chiềng Sung vào năm 1962, làm thay đổi sản xuất công, nông nghiệp của huyện Mai Sơn.
Bước sang giai đoạn 1965-1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn vừa sản xuất, vừa chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, xây dựng hậu phương vững mạnh và tích cực chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Hàng ngàn con em các dân tộc Mai Sơn lên đường nhập ngũ, chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào đến ngày toàn thắng, đất nước thống nhất. Với sự cố gắng và nỗ lực trong chiến đấu, lao động, xây dựng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, hạng Nhì; huyện Mai Sơn được tặng thưởng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cùng ba xã Cò Nòi, Mường Chanh và Mường Bằng…
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hơn 35 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Mai Sơn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nhất trí, tự lực, tự cường vươn lên xây dựng cuộc sống mới, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Mai Sơn vươn lên phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Trong hơn 2 năm qua, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 1.013 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.500 tỷ đồng. Năm 2022, tổng sản lượng nông sản tiêu thụ, xuất khẩu đạt trên 152.543 tấn, giá trị đạt trên 43,75 triệu USD.
Trong nông nghiệp, là huyện trọng điểm triển khai các chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn huyện có 11.000 ha cây ăn quả, chiếm 13% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Na, dâu tây, chanh leo… cho thu nhập trên 300 triệu/ha/năm; 19.032 ha cây công nghiệp, gồm cà phê, mía, sắn… Hiệu quả từ việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã mang đến cho “bức tranh” nông nghiệp của huyện Mai Sơn những gam màu rực rỡ, tươi sáng.
Công tác thu hút đầu tư triển khai đồng bộ, có Khu Công nghiệp Mai Sơn và nhiều nhà máy chế biến, tiêu biểu: Nhà máy mía đường Sơn La, Nhà máy chế biến cà phê, Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, Nhà máy Xi măng Mai Sơn, Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc… đưa Mai Sơn thành Trung tâm công nghiệp của tỉnh. Chương trình nông thôn mới đạt nhiều kết quả, toàn huyện có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đứng đầu toàn tỉnh, trong đó 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Cơ sở hạ tầng quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, 22/22 xã có đường cứng hóa đến trung tâm xã, trong đó, quốc lộ có 4 tuyến tổng chiều dài 132 km, đường tỉnh có 4 tuyến tổng chiều dài 134 km, đường huyện 27 tuyến tổng chiều dài 350 km, đường đô thị 42 tuyến tổng chiều dài 55 km, đường xã 182 tuyến tổng chiều dài 607 km; 98,85% hộ gia đình dùng điện lưới quốc gia, 97% hộ gia đình khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% hộ gia đình khu vực đô thị sử dụng nước sạch; thị trấn Hát Lót được công nhận là đô thị loại IV đầu tiên của tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, công tác an sinh xã hội được quan tâm. Quy mô trường lớp mở rộng, toàn huyện có 38/63 trường học đạt chuẩn quốc gia; 22/22 xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm, đến nay còn 12,8%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị huyện Mai Sơn ngày càng được kiện toàn, củng cố vững mạnh hơn. Đảng bộ huyện hiện có 72 chi, đảng bộ cơ sở, trên 9.300 đảng viên; trong đó 426 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; 293/293 bản, tiểu khu có chi bộ.
Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành, trong chặng đường tiếp theo, nhất là thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện thắng lợi 3 khâu đột phá, 19 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, quyết liệt đổi mới phương thức công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị. Tập trung xây dựng được cấp ủy lãnh đạo sâu sát, chính quyền thân thiện, điều hành hiệu lực, hiệu quả. Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tích cực trong giám sát, phản biện, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc. Thực hiện phương châm “5 rõ” và “6 dám” trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Gồm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”; “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách”.
Hai là, tập trung phát triển kinh tế, từng bước đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; hình thành, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, lấy HTX của bản làm nền tảng, thành phần kinh tế quan trọng trong liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ba là, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản, Mai Sơn trở thành Trung tâm chế biến nông sản của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Hình thành các chợ đầu mối nông sản, các ngành dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản gắn với tiền năng lợi thế phát triển du lịch.
Bốn là, tiếp tục siết chặt quản lý về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Tập trung chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, lấy quan điểm phát triển từ dưới lên, từ hộ gia đình, bản, tiểu khu nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh làm căn cốt.
Năm là, quan tâm chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lấy văn hóa là nền tảng vững chắc, là động lực phát triển kinh tế góp phần xây dựng Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị, nông thôn; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế các tuyến, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Sáu là, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội với giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác đối ngoại.
Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng, (10/8/1953 – 10/8/2023), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khơi dậy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; phát triển kinh tế theo hướng bền vững; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng – an ninh, quyết tâm đổi mới, xây dựng Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Nguyễn Việt Cường, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mai Sơn