Công ty chứng khoán chỉ được lựa chọn kết nối từ 1 – 3 ngân hàng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa gửi công văn đến các công ty chứng khoán để lấy ý kiến về việc quản lý tách biệt tài sản của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán. Theo công văn này, để triển khai thi hành việc thực hiện quản lý tách biệt tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán theo quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến áp dụng việc công ty chứng khoán phải quản lý tiền của khách hàng hoàn toàn theo phương thức khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn.
Đáng chú ý, trong thời gian đầu triển khai, để đảm bảo về cơ sở hạ tầng kết nối, một công ty chứng khoán chỉ được lựa chọn từ 1 – 3 ngân hàng thương mại để khách hàng mở tài khoản quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, đối với các công ty chứng khoán nhỏ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị chỉ lựa chọn 1 ngân hàng thương mại.
Đồng thời, nhằm hạn chế rủi ro thanh toán, 1 tài khoản ngân hàng của khách hàng chỉ được kết nối với 1 công ty chứng khoán. Tài khoản ngân hàng chuyên biệt này chỉ được phục vụ cho giao dịch chứng khoán của khách hàng. Trường hợp 1 ngân hàng thương mại được nhiều công ty chứng khoán lựa chọn kết nối, với mỗi tài khoản giao dịch chứng khoán tại 1 công ty chứng khoán thì khách hàng phải mở 1 tài khoản chuyên biệt tương ứng tại ngân hàng đó.
Trước mắt, để đồng bộ hoạt động và giảm thiểu rủi ro, việc xử lý tiền trên tài khoản tiền gửi mở tại ngân hàng để phục vụ giao dịch chứng khoán của khách hàng thực hiện theo phương thức phong tỏa tiền trên tài khoản ngân hàng chuyên biệt của khách hàng vào đầu ngày và giải tỏa vào cuối ngày.
Lộ trình áp dụng hoàn toàn việc khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán là 12 tháng kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có hiệu lực.
Gây khó cho công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư?
Mới nghe nội dung công văn này, nhiều công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư đều có nhiều băn khoăn. Theo chị Ngọc An (quận 7, TP.HCM), hiện nay, khi chị muốn nộp tiền, rút tiền vào tài khoản chứng khoán đều sử dụng tài khoản ở ngân hàng Vietcombank. Tuy nhiên, nếu quy định mới ra đời, công ty chứng khoán A. – nơi chị có tài khoản đầu tư chỉ lựa chọn 3 ngân hàng để kết nối nhưng không có Vietcombank, vậy chị lại phải mở tài khoản ở 1 trong 3 ngân hàng mà công ty chứng khoán lựa chọn.
“Từ trước đến nay, mình chỉ sử dụng duy nhất 1 tài khoản ngân hàng vì dễ quản lý chi tiêu, bảo mật. Giờ nếu như để phục vụ cho đầu tư chứng khoán lại phải đi mở thêm một tài khoản ngân hàng khác thì quản lý, sử dụng rất phức tạp. Hay một cá nhân có thể mở nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau. Nếu quy định với mỗi tài khoản giao dịch tại 1 công ty chứng khoán thì khách hàng phải mở 1 tài khoản chuyên biệt tương ứng tại ngân hàng đó thì như vậy nhà đầu tư phải mở thêm 2 – 3 tài khoản ngân hàng khác nữa. Mà tôi cũng không hiểu là quy định các công ty chứng khoán phải quản lý tách biệt tiền gửi của nhà đầu tư đã thực hiện rất lâu thì tại sao nay có sự thay đổi này?”, chị Ngọc An nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một công ty chứng khoán tại TP.HCM (xin không nêu tên) cũng cho rằng ông chưa rõ việc kết nối, giao dịch trực tiếp từ tài khoản ngân hàng của từng nhà đầu tư sẽ diễn ra như thế nào. Trường hợp nhà đầu tư sử dụng dịch vụ margin thì áp dụng ra sao? Bởi mỗi nhà đầu tư sẽ sử dụng tỷ lệ margin khác nhau, cho nhiều cổ phiếu khác nhau, thời hạn và lãi suất đều khác nhau nên sẽ khá phức tạp. Việc cho vay margin từ trước đến nay các công ty chứng khoán sẽ áp dụng trên tài khoản riêng của công ty.
Vị lãnh đạo này đặt vấn đề: Giả sử khi thời gian giao dịch chứng khoán sẽ được tiếp tục rút xuống còn T+ 1 hay quy mô giao dịch càng lớn, số lượng khách hàng càng nhiều thì các ngân hàng có xử lý kịp hay không? Việc giao dịch chứng khoán là liên tục, kết nối trực tiếp nên hệ thống xử lý, phong tỏa tiền cũng phải được thực hiện thông suốt, đồng bộ và ngay lập tức từ ngân hàng với công ty chứng khoán. Nếu kết nối không thông suốt, giao dịch của nhà đầu tư bị chậm thì sẽ ảnh hưởng đến toàn thị trường chứng khoán…