Nhân viên Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hiển giao dịch tại xã Viên An Ðông.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được uỷ thác qua các hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Ðoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh) nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của tổ chức hội, đoàn thể giúp Nhân dân được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tạo kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với Nhân dân và cấp uỷ Ðảng, chính quyền. Thông qua hoạt động tín dụng, các tổ chức hội, đoàn thể có điều kiện quan tâm hơn đến hội viên, lồng ghép việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị khác, góp phần tiết giảm chi phí xã hội. Qua đó, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn và hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí khi vay vốn.
Ðến ngày 30/6, tổng dư nợ uỷ thác đạt gần 3.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,76%/tổng dư nợ, với 2.603 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang hoạt động, 130.981 hộ vay còn dư nợ. Trong đó, dư nợ do Hội LHPN quản lý trên 1.338 tỷ đồng, với 910 tổ TK&VV; Hội Nông dân dư nợ trên 1 ngàn tỷ đồng…
Tuy nhiên, hiện nay nợ quá hạn và nợ khoanh do các hội, đoàn thể quản lý gần 250 tỷ đồng. Trong đó, do Hội LHPN trên 80 tỷ đồng, Hội Nông dân trên 72 tỷ đồng, Ðoàn Thanh niên gần 51 tỷ đồng và Hội Cựu chiến binh gần 47 tỷ đồng.
Trong các hộ có nợ vay quá hạn có trên 4.800 hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú, với số tiền 87,2 tỷ đồng. Qua rà soát, các hộ đi hơn 27 tỉnh, thành (tập trung nhiều như: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai…). Phần lớn các hộ sau khi đi ngoài tỉnh thì không có thông tin, địa chỉ cụ thể nên không thể liên lạc để thu hồi nợ.
Nhân viên Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hiển phối hợp với các hội, đoàn thể kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ vay trên địa bàn huyện.
Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết, đã qua, qua kiểm tra, Sở đã phát hiện một số trường hợp khó xử lý thu hồi nợ đối với đối tượng bỏ đi làm ăn xa. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ cho rằng số tiền tín dụng chính sách mà họ đã vay là được cho, không phải đóng lãi cũng như trả nợ gốc.
Theo ông Từ Hoàng Ân, một số hội ở các xã thiếu quan tâm, chưa phối hợp với cán bộ ngân hàng, hỗ trợ tổ TK&VV trong công tác, đôn đốc, xử lý nợ quá hạn. Thiếu quan tâm chỉ đạo triển khai nguồn vốn, việc đôn đốc, xử lý, thu hồi nợ đến hạn chưa tốt. Chưa có giải pháp xử lý đối với những hộ vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ.
“Cần chỉ đạo quyết liệt các tổ TK&VV và cần sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc đôn đốc, xử lý nợ khoanh, nợ quá hạn nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách”, ông Từ Hoàng Ân đề nghị.
Kiến nghị giải pháp để thu hồi nợ đối với các hộ đi làm ăn xa, ông Nguyễn Hoàng Ðạo, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau, cho rằng, các hội, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để khi lãnh đạo địa phương ký thủ tục cho hộ vay đi làm ăn xa thì yêu cầu phải có cam kết trả nợ đúng hạn, nếu không quyết liệt sẽ bị lợi dụng chính sách.
“Hội LHPN cũng đã đưa ra giải pháp để tuyên truyền, nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ trong việc trả vốn vay tín dụng chính sách đó là chỉ đạo các tổ, hội phụ nữ thành lập nhóm Zalo có các chị em đi làm ăn xa để động viên, thăm hỏi, sau đó tuyên truyền để họ hiểu và thực hiện nghĩa vụ trả nợ đã vay”, bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Cà Mau, cho biết, để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH tỉnh đang tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể thực hiện tốt các nội dung uỷ thác, chủ động có kế hoạch đôn đốc xử lý thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn tạo nguồn vốn; đồng thời rà soát thông tin những hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú, đi làm ăn xa./.
Phúc Duy