Vy và Nhung từ Nghệ An ra Bắc Ninh làm công nhân thời vụ, trong khi thủ khoa khối C ở Hưng Yên đi bóc long nhãn để kiếm tiền trang trải việc học hành.
20h hàng ngày, Nguyễn Thị Nhung và Phan Thị Huyền Vy, cùng quê Nghệ An, đi bộ về phòng trọ, kết thúc một ngày làm việc từ tám giờ sáng. Ăn cơm tối ở công ty trước khi về nên Nhung và Vy tắm gội, gọi điện cho nhà một lát rồi ngủ sớm để mai đi làm.
“Em mệt rã rời. Mắt mỏi, tay trầy xước, thâm tím còn lưng đau ê ẩm. Làm công nhân rất cực”, Nhung nói.
Nhung, Vy là cựu học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương. Thi xong tốt nghiệp THPT hồi cuối tháng 6, cả hai bắt xe ra Bắc Ninh xin làm thời vụ cho một công ty điện tử của Trung Quốc. Công việc của hai em là bốc hàng và kiểm hàng. Cả hai phải mở các kiện hàng, dùng tay phân loại linh kiện kim loại.
“Ngày nào chúng em cũng lặp đi lặp lại công việc giống nhau. Chúng em cũng không được nói chuyện khi làm việc”, Nhung chia sẻ. Từ hè năm lớp 10 và 11, cả hai đều ra Bắc Ninh làm thời vụ để kiếm tiền đóng học. Còn trong năm học, cả hai tranh thủ đi bưng bê ở các hàng quán.
Sau khi kết thúc ca làm đêm hôm 18/7, Nhung và Vy nhận tin đạt lần lượt 26,75 và 26 điểm khối C (Văn, Sử, Địa), có khả năng trúng tuyển vào nhiều đại học.
“Chúng em mừng muốn khóc. Cả hai cùng đặt nguyện vọng vào Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Đà Nẵng và Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội”, Vy nói.
Từ lúc biết điểm, cả hai chi tiêu tiết kiệm hơn, dành tiền nhập học. Lương 5,1 triệu đồng mỗi tháng cả phụ cấp, cả hai thuê phòng trọ một triệu đồng ở chung, ăn tại công ty. Mỗi em dành dụm được 4 triệu đồng một tháng.
Hơn một tháng qua, Lê Minh Hiếu, cựu học sinh lớp 12A7, trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Hưng Yên, cũng tranh thủ đi bóc long nhãn thuê từ sáng sớm.
“Phải đi sớm để nhận nhiều nhãn mới được nhiều tiền. Nhưng năm nay nhãn ít, em chỉ bóc được 25 kg mỗi buổi, với tiền công 4.000 đồng/kg”, Hiếu nói.
Hiếu đã làm công việc này từ năm lớp 7 để tự đóng tiền học. Công việc yêu cầu sự kiên nhẫn và khéo léo của đôi tay, sao cho ruột nhãn sau khi tách hạt phải còn nguyên. Sau nhiều tiếng ngồi bóc, các ngón tay của Hiếu sưng và mỏi. Ngoài bóc long nhãn, Hiếu còn đi cấy thuê.
Nam sinh là học sinh giỏi suốt ba năm trung học và từng giành giải nhì môn Địa lý cấp tỉnh năm lớp 12. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Hiếu là thủ khoa khối C của tỉnh Hưng Yên với 29 điểm, trong đó Địa lý 10, Văn và Sử cùng 9,5. Tính đến nhiều nguyện vọng đại học nhưng phải cân nhắc kỹ về học phí nên Hiếu chọn ngành Sư phạm Văn của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cả ba học sinh cho hay nhận thức được cần tự nỗ lực để thay đổi cuộc đời, thay vì buồn chán hoặc trông chờ vào sự giúp đỡ của mọi người.
Hiếu nói địa phương đã hỗ trợ em một khoản tiền, song em cho rằng chủ động đi làm kiếm tiền để tạo cơ hội học tập cho mình là điều kiện quyết định cho thành công trong tương lai. Việc này sẽ giúp em trang trải các chi phí nhập học ban đầu, mua sắm đồ dùng học tập.
“Chờ đợi ai đó giúp mà bản thân không cố gắng sẽ dễ chùn bước, ỉ lại”, Hiếu nhìn nhận.
Vy và Nhung cũng có suy nghĩ tương tự. Hơn nữa, theo hai nữ sinh, việc đi làm công nhân ngoài mang lại thu nhập để đi học, còn giúp các em va chạm và có hiểu biết xã hội.
“Chúng em cần tìm hiểu nhiều môi trường và học cách tự lập sớm, không dựa dẫm, tránh làm gánh nặng cho gia đình”, Vy cho hay.
Theo cô Phan Thị Hằng, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương, nhiều học sinh chọn đi xuất khẩu lao động hoặc làm tự do sau khi tốt nghiệp, nhưng Nhung và Vy có sức học tốt, nếu bỏ đại học sẽ rất đáng tiếc.
“Các em đi làm vất vả rất tội nhưng đó cũng là cơ hội để trải nghiệm và học hỏi. Tôi tin, với sự năng động này, các em sẽ trưởng thành ở môi trường mới”, cô nói, thêm rằng chưa từng gặp hai học sinh nào đặc biệt như vậy.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7 của thủ khoa Lê Minh Hiếu, cũng cảm phục khi chứng kiến cậu học trò phải cân đối thời gian học và đi làm thêm suốt ba năm cấp ba. Cuộc sống thiếu thốn nhưng Hiếu luôn chủ động và quen với việc đi làm thuê kiếm tiền đóng tiền học.
“Hiếu rất vất vả, từ nhỏ đã là trụ cột của gia đình có 4 người con. Tuy nhiên, em ấy không bao giờ than vãn về hoàn cảnh mà luôn tự tìm cách khắc phục và cố gắng”, cô Lan chia sẻ.
Theo một thống kê, khoảng 10-15% tân sinh viên có nhu cầu vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Hiện, mức cho vay cao nhất là 4 triệu đồng một tháng. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức này đáp ứng 42% chi phí học tập (học phí và sinh hoạt phí) tối đa của sinh viên. Tuy nhiên, chỉ học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo (thu nhập dưới 1,5-2 triệu đồng một tháng) mới được vay. Do đó, nhiều thí sinh trước và sau khi vào đại học tìm cách làm thêm để trang trải.
TS Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng bộ môn Kế toán – Tài chính, Học viện Ngân hàng, ủng hộ việc này. Theo cô, các trường đều dạy theo tín chỉ nên sinh viên hoàn toàn có thể sắp xếp việc học để tìm việc, kiếm thêm tiền trang trải chi phí. Ngoài ra, nhiều trường cũng có chương trình hỗ trợ cho sinh viên nghèo như giảm học phí.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Đại học Hà Nội, nói việc sinh viên trúng tuyển chủ động tìm việc làm thêm phù hợp để kiếm tiền chuẩn bị vào đại học là việc làm đáng khích lệ. Việc này cho thấy các em chủ động, nỗ lực vượt khó để theo đuổi ước mơ học tập.
“Nếu duy trì tinh thần, thái độ chủ động, tích cực này trong những năm tháng học đại học và sau khi tốt nghiệp, tôi tin các em sẽ đạt được những thành công. Tôi cũng mong ý chí tự lực này của các em sẽ có sức lan tỏa sâu rộng”, thầy Dũng nói.
Bình Minh