Mỹ hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine do Arab Saudi dẫn đầu, hy vọng điều này là bằng chứng Nga bị cô lập.
“Chúng tôi tin rằng việc Trung Quốc tham dự là rất hữu ích”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 7/8 phát biểu trước báo giới. “Chúng tôi từ lâu đã nói rằng sẽ rất tốt nếu Trung Quốc đóng vai trò trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, thúc đẩy việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”.
Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á – Âu Lý Huy đại diện nước này tham dự sự kiện. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cho biết các cuộc đàm phán ở Arab Saudi đã giúp “củng cố đồng thuận quốc tế” về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine. Ông Lý đã “liên lạc và trao đổi sâu rộng với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, đồng thời lắng nghe ý kiến và đề xuất từ tất cả các bên”.
Các cuộc đàm phán mới nhất về hòa bình Ukraine được tổ chức trong hai ngày 6 và 7/8 tại thành phố cảng Jeddah, Arab Saudi. Khoảng 40 nước tham dự sự kiện, trong đó có cả các cường quốc mới nổi như Ấn Độ hay Brazil, vốn không mặn mà với những biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine.
Arab Saudi cũng mời cả các quan chức hàng đầu từ Mỹ và Ukraine, những quốc gia đang cố gắng kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Nga không được mời tham gia hội nghị.
Tại Jeddah, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland còn có cuộc gặp riêng với đặc phái viên Trung Quốc Lý Huy.
Nga và Trung Quốc nhất trí về mối quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” hồi tháng 2/2022. Hai bên sau đó nhiều lần khẳng định sức mạnh mối quan hệ, với kim ngạch thương mại song phương gia tăng. Trung Quốc đến nay không lên án Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời cáo buộc những quốc gia ủng hộ Ukraine, đặc biệt là Mỹ, đã thúc đẩy chiến sự bằng cách cung cấp vũ khí cho quân đội Kiev.
Một quan chức Đức tiết lộ Arab Saudi đóng vai trò quyết định trong nỗ lực thuyết phục Trung Quốc dự hội nghị lần này. Chính phủ Arab Saudi nhấn mạnh đặc phái viên Trung Quốc đến dự hội nghị sẽ góp phần củng cố “đối thoại và hợp tác, đảm bảo khủng hoảng được giải quyết bằng những biện pháp chính trị và ngoại giao”.
Giới phân tích đánh giá việc Trung Quốc dự hội nghị là tín hiệu tích cực, sau khi Bắc Kinh không tham gia vòng đối thoại đầu tiên hồi tháng 6 tại Copenhagen, Đan Mạch.
Vũ Hoàng (Theo AFP, CNN)