Trong báo cáo của Chính phủ gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông có đề cập đến nội dung giá sách giáo khoa.
Theo đó, đoàn giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến đề nghị đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của mức chiết khấu trong chi phí phát hành sách giáo khoa lên giá sách giáo khoa hiện nay. Đoàn giám sát cho rằng, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay là quá cao.
Với đề nghị này, Chính phủ có ý kiến: Theo quy định của Luật Giá 2012 và Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giá quy định Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá sách giáo khoa và rà soát nội văn bản kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với Bộ Tài chính.
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức trần của sách giáo khoa theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách giáo khoa.
Đây là giải pháp quản lý giá sách giáo khoa, giảm mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa.
Đối với đề nghị “Đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ cung cấp sách giáo khoa cho thư viện các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật.
Cần tính toán đầy đủ, đánh giá toàn diện tác động của việc bố trí ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa cấp cho thư viện các trường học để dùng chung”, Chính phủ cho rằng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh tại các vùng khó khăn, trong đó học sinh học sinh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo hoàn toàn được dùng tiền hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo có đủ sách giáo khoa cho học sinh.
Cụ thể, tại Điều 18 và khoản 10 Điều 20 Nghị định 812 quy định nâng mức hỗ trợ chi phí học tập từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 150.000 đồng/học sinh/tháng (tương đương 1.350.000 đồng 1 năm) để giúp học sinh đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sắm sách vở, đồ dùng và dụng cụ học tập đặc biệt sách giáo khoa mới.