Việc xả nước có thể sẽ diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Fumio Kishida gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Mỹ vào tuần tới. Cuộc gặp có ý nghĩa giải thích về sự an toàn của nguồn nước được qua xử lý.
Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản vào tháng trước đã phê duyệt cho nhà điều hành Tokyo Electric Power bắt đầu xả nước – điều mà Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho là an toàn, nhưng các nước lân cận lo ngại nó có thể làm ô nhiễm nguồn thực phẩm.
Nhật báo Asahi Shimbun cho biết, hoạt động đánh bắt bằng lưới kéo đáy dự kiến sẽ bắt đầu ở ngoài khơi Fukushima, phía Đông Bắc Tokyo vào tháng 9 và chính quyền đặt mục tiêu xả nước trước khi mùa đánh bắt bắt đầu.
Vào ngày 11/3/2011, một sự cố hạt nhân đã xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima thuộc vùng duyên hải phía Đông Nhật Bản và cách Thủ đô Tokyo khoảng 220 km.
Nguyên nhân trực tiếp của thảm họa là trận động đất Tohoku với tâm chấn cách nhà máy điện khoảng 100 km gây ra một cơn sóng thần mạnh. Những con sóng cao từ 13 đến 14 mét đã tràn vào bờ biển Okuma và nhà máy điện, làm mất điện và hỏng máy phát điện diesel khẩn cấp.
Việc này khiến hệ thống làm mát lò phản ứng đã bị hỏng, khiến nhiên liệu hạt nhân tại 3 trong số các lò phản ứng quá nóng và tan chảy. Hệ quả tiếp theo là 2 vụ nổ rung chuyển nhà máy điện vào các ngày 14 và 15/3 sau đó, khiến lửa bùng phát tại một lò phản ứng và làm chất phóng xạ rò rỉ vào khí quyển cũng như ra biển.
Nhà chức trách Nhật Bản đã nỗ lực phản ứng để kịp thời ngăn chặn thảm họa lan rộng, sơ tán gần nửa triệu người trong vòng bán kính 20 km quanh nhà máy. Sau khi thành công trong việc chặn đứng thảm họa, Chính phủ Nhật Bản đã công bố lộ trình khắc phục sự cố hạt nhân Fukushima, với mục tiêu tháo dỡ hoàn toàn 4 lò phản ứng trong vòng 30-40 năm.
IAEA phân loại thảm họa Fukushima là thảm họa cấp độ 7, tức mức cao nhất, và là thảm họa hạt nhân nghiêm trọng đứng thứ nhì trong lịch sử – chỉ sau sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine hồi năm 1986.
Mai Anh (theo Reuters)