Rất nhiều công việc tại Thái Lan được lao động Hà Tĩnh lựa chọn, trong đó phổ biến nhất vẫn là bưng bê, dọn dẹp, trông xe, bán rong trên hè phố…
Lau cần bi-a thường bắt đầu từ 20h tối đến sáng hôm sau nhưng được xem là công việc dễ kiếm tiền nhất tại Thái Lan (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Trước đại dịch COVID-19, tôi sang Thái Lan để thực hiện phóng sự về người Hà Tĩnh sinh sống, làm việc trái phép. Có tới hàng trăm công việc được các nam thanh nữ tú lựa chọn, trong đó phổ biến nhất vẫn là bưng bê, dọn dẹp, trông xe trong các nhà hàng, bán rong trên hè phố, rồi giúp việc tại gia …
Có những công việc hết sức lạ lẫm như sắp bi, lau cần trong các trung tâm giải trí bi-a, hay lau giày, đấm lưng cho khách ở nhà hàng, vũ trường… Họ làm việc nhẫn nại, chịu thương chịu khó để kiếm thêm tiền. Lúc cao điểm có tới 10.000 lao động Hà Tĩnh sống và làm việc trái phép trên đất Thái Lan theo kiểu như vậy. Tình trạng cũng xảy ra tương tự tại nhiều nước mà tôi đã có dịp tới như Liên bang Nga, UAE, Anh, Hàn Quốc…
Điều tôi băn khoăn là những công việc đó liệu có thể làm ở Hà Tĩnh khi mà các nhà hàng, khách sạn luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, các gia đình đăng tin ra rả cũng không thể tìm được người giúp việc. Còn việc bán bánh mì, nước giải khát, đồ ăn sáng hay cắt tóc, gội đầu, làm thợ nề, thợ nhôm kính… thì người Huế và người từ các địa phương khác đã làm rất thành công trên đất Hà Tĩnh.
Không phủ nhận đơn giá lao động ở Hà Tĩnh thấp hơn, công việc phụ thuộc nhiều vào tính thời vụ, nhưng để kiếm được từ 10-20 triệu đồng mỗi tháng khi ra nước ngoài làm việc trái phép, lao động Hà Tĩnh sẽ phải bỏ ra một khoản phí không nhỏ, chấp nhận cuộc sống hết sức tạm bợ và nhất là luôn phải trốn tránh cảnh sát sở tại. Nhiều người thậm chí phải trả giá bằng chính mạng sống.
Một lao động quê Hà Tĩnh bán nước dừa trên hè phố Bangkok (Ảnh: Tư liệu).
Liệu rằng, tâm lý sỹ diện có phải là một trong những nguyên do? Lao động Hà Tĩnh có thể lam lũ với đủ thứ nghề nơi đất khách nhưng khi về quê là phải thơm tho, sang chảnh, lịch sự. Trong mắt hàng xóm, láng giềng phải là người từ Tây, Tàu, hoặc chí ít cũng từ TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Dương… trở về. Dù trong thực tế là ở Tây hay Tàu thì họ cũng làm chính những công việc mà người Huế hay người từ một số địa phương khác đang làm rất thành công trên đất Hà Tĩnh.
Câu hỏi đặt ra là áp lực về sự sỹ diện đến từ bản thân người lao động hay đến từ chính người xung quanh? Thực tế cho thấy, xã hội đang có những sự phán xét, phân biệt về sự sang hèn theo từng cấp độ khác nhau đối với từng ngành nghề, công việc, dù về nguyên tắc trong cơ chế thị trường mọi công việc mang lại thu nhập hợp pháp đều có giá trị như nhau. Vậy là, rất nhiều người đã chọn cách vào Nam, ra Bắc hoặc ra nước ngoài chỉ để làm những việc mà ngay trên chính quê nhà vẫn có thể làm với thu nhập tương đương.
Trần Long