07/08/2023 06:06
Không kém cạnh những loại hàng hóa khác, hoạt động buôn bán “quốc bảo sâm Ngọc Linh” trên môi trường mạng cũng rất “sầm uất” và náo nhiệt, thật – giả lẫn lộn.
Gõ một lệnh tìm kiếm trênGoogle, có thể tìm thấy trên các diễn đàn hay các trang web những lời giới thiệu và chào bán hấp dẫn về sâm Ngọc Linh, bao gồm lá, hoa, củ, và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Tất cả đều khẳng định như đinh đóng cột rằng “hàng thật, hàng rừng mới về”. Ngoài ra, còn bán với giá ưu đãi, miễn phí giao hàng, có quà tặng và hướng dẫn sử dụng.
Ví dụ như trên trang “Green Farm” đăng bán một hạt sâm Ngọc Linh giá 10.000 đồng, khi mua số lượng lớn còn được giảm giá, tặng thêm quà tặng, gồm thuốc kích rễ và công thức ươm trồng.
Không chỉ bán lá, hoa, cây sâm Ngọc Linh giống, trên mạng xã hội còn rao bán đủ các loại sâm Ngọc Linh củ, to có, nhỏ có; cung cấp với số lượng lớn “nửa ký, 1 ký hoặc vài ký, trồng hay tự nhiên, có lá hay không có lá đều có”.
Một số địa chỉ facebook còn rao “xả banh nóc vì mưa gió” những củ sâm Ngọc Linh “tự nhiên, khủng, già tím”, dài cả mấy gang tay, uốn lượn nhiều vòng; hoặc những củ sâm còn nguyên lá xanh mướt sâm Ngọc Linh, với giá “mềm như bún”.
|
Thậm chí có những củ “sâm Ngọc Linh” được quảng cáo là hơn 50 mắt, dài gần mét, nặng hơn 3 lạng cũng rao bán với “giá mềm”.
Để tăng tính thuyết phục đối với những khách hàng khó tính, một số người bán còn trưng cả giấy chứng nhận “đã kiểm định”.
Mới đây, thấy một trang facebook có đăng tải bán 2 củ sâm Ngọc Linh loại “khủng”, trọng lượng 2 lạng/củ với “giá rẻ”, tôi vào hỏi “rẻ là bao nhiêu”, thì được trả lời “mỗi củ chưa tới 10 triệu đồng. Rẻ nhất quả đất rồi”.
Người bán không chỉ thuyết phục “10 triệu quý anh nhậu vài hôm là hết, nhưng mua củ sâm này thì để dùng được lâu dài, quý hơn vàng” mà còn quay sang nhờ tôi giới thiệu khách giúp.
Cũng ở địa chỉ facebook này, người bán còn đăng hình ảnh một thùng hoa “sâm Ngọc Linh” đỏ rực, giới thiệu đây là lô hàng “mấy kg mới từ rừng về”, bán với giá 5 triệu đồng/kg.
Đem hình ảnh 2 củ sâm khủng cho anh A T.- một người trồng sâm Ngọc Linh lâu năm ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) xem. Anh bực bội nói: Nhìn là biết không phải sâm Ngọc Linh rồi. Vì sâm thật làm gì mà nổi u, nổi cục lên, trông dị dạng như thế. Đúng là lừa đảo mà.
Anh T. bức xúc: Thật không hiểu nổi, sâm Ngọc Linh, từ lá, hoa đến củ mà cũng cũng giảm giá, tặng quà khuyến mãi hay “xả hàng” như bao loại hàng hóa khác. Đúng là “loạn” hết cả lên.
Theo anh T., không phải ai bán sâm Ngọc Linh trên mạng xã hội cũng là bán sâm giả, nhưng đa số không phải sâm Ngọc Linh thật. Sâm đâu ra nhiều và giá rẻ thế?
Như về hạt sâm Ngọc Linh, hiện ở Tu Mơ Rông, thủ phủ sâm Ngọc Linh, đang có giá 100.000 đồng mỗi hạt. Lá sâm cũng dao động 10-12 triệu đồng/kg, chỉ có vào khoảng tháng 8, tháng 9, khi người trồng thu hoạch xong hạt, nhưng cũng không nhiều. Hoa thì không ai bán, để lấy hạt trồng hoặc bán mới có giá trị.
Về giá sâm củ thì rõ ràng không thể có chuyện “mềm như bún” được. Cứ nhìn củ sâm Ngọc Linh đạt giải Nhất Hội thi sâm Ngọc Linh (do UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức tháng 2/2023) có trọng lượng 250 gram, trên 20 năm tuổi, bán đấu giá được 250 triệu đồng thì biết.
Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh tự nhiên thì “vô cùng hiếm”, nếu không muốn nói là không có; sâm trồng cũng không bán ra thị trường nhiều, lấy đâu ra số lượng lớn để “bán sỉ”, để “giảm giá” và “xả hàng”.
Phải khẳng định rằng, hoạt động buôn bán “quốc bảo sâm Ngọc Linh” trên môi trường mạng đang rất náo nhiệt, thật – giả lẫn lộn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, mà còn làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh.
Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để dẹp vấn nạn này?
Theo lãnh đạo ngành Công thương, trong thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm quản lý nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh cũng như hoạt động mua, bán sâm Ngọc Linh trên địa bàn, bao gồm kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán sâm giả; nâng cao năng lực giám định chất lượng sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên, việc xử lý cũng đang gặp nhiều khó khăn. Vấn đề mấu chốt là để xác định được sâm thật hay giả cần phải có xét nghiệm, tốn kém và mất thời gian, nhưng hiện nay, khi kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn chỉ tiến hành thẩm định bằng… mắt thường, nên khó kết luận.
Bên cạnh đó, hầu hết người mua phải sâm giả đều chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không trình báo cơ quan chức năng, vì vậy không có cơ sở để giải quyết.
Việc xử lý các trang mạng xã hội mua bán sâm giả cũng khó khăn, vì cơ quan chức năng có bóc gỡ trang này thì người ta lại lập một trang khác và tiếp tục bán.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu Sâm Ngọc Linh, cơ quan Công an cần lập các chuyên án để điều tra, xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ, sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng.
Tăng cường quản lý hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh trên trên mạng xã hội, thông qua việc kiểm tra đột xuất lấy mẫu kiểm định, nếu phát hiện là giả thì xử lý nghiêm.
Một thuận lợi là tỉnh đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, dụng cụ vật tư hóa chất phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả.
Đến nay, hệ thống máy móc, thiết bị đã được trang bị đầy đủ, các cán bộ kỹ thuật cũng làm chủ được 2 quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định phục vụ phân biệt sâm Ngọc Linh thật-giả.
Vấn đề cần làm là tổ chức thông tin rộng rãi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết ở tỉnh đã trang bị máy móc, thiết bị và làm chủ quy trình kỹ thuật; đủ năng lực và điều kiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm, kiểm định để xác định sâm Ngọc Linh thật hay giả cho mọi đối tượng khách hàng.
HỒNG LAM