Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Hiện nay, Hoa Kỳ và các thị trường nhập khẩu cá tra của nước ta đã đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể đối với cơ sở nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu sang thị trường nước họ. Do vậy, các doanh nghiệp, cơ sở nuôi cá tra nhất là tại vùng ÐBSCL cần quản lý vùng nuôi đáp ứng các yêu cầu và điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu.
Thu hoạch cá tra tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Cá tra một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL. Thời gian qua, mặt hàng cá tra đã xuất khẩu mạnh sang thị trường Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới. Ngành hàng cá tra đã tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho nhiều người lao động và đem về nguồn thu ngoại tệ rất lớn cho đất nước.
Tuy nhiên, việc nuôi trồng và xuất khẩu cá tra cũng đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giá cả các loại vật tư đầu vào và giá đầu ra sản phẩm thường xuyên biến động theo hướng bất lợi cho người nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu cá tra. Hơn nữa, các thị trường xuất khẩu cá tra và các sản phẩm cá da trơn của nước ta ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm và đã đặt ra nhiều “rào cản” nhằm kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm của sản phẩm và cả các vấn đề về an toàn lao động, bảo vệ môi trường… Ðặc biệt, thị trường xuất khẩu cá tra quan trọng hàng đầu của nước ta là Hoa Kỳ đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể đối với cá tra xuất khẩu vào nước họ, trong đó có các yêu cầu về quản lý vùng nuôi nhằm đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðể đáp ứng các yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ, từ năm 2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có quyết định số 1802/QÐ-BNN-QLCL về ban hành Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes (gọi tắt là cá da trơn) xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Nước ta cũng đã có các quy định trong Luật Thủy sản và Luật An toàn thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở nuôi trồng thủy sản.
ÐBSCL có 142 vùng nuôi cá tra phục vụ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Theo Cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, dự kiến trong tháng 8-2023, Ðoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ðoàn FSIS sẽ đến kiểm tra vùng nuôi và hoạt động chế biến xuất khẩu cá tra trơn tại các doanh nghiệp ở vùng ÐBSCL.
Tại TP Cần Thơ, cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nên ngành chức năng thành phố rất quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn người nuôi cá tra quản lý vùng nuôi đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố hiện có 207 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm, trong đó có 27 cơ sở nuôi, vùng nuôi của doanh nghiệp, với diện tích 117,9ha cung cấp nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Qua 6 tháng năm 2023, diện tích nuôi cá tra trên địa bàn thành phố đạt 562ha, đạt 80% kế hoạch, với sản lượng cá đã thu hoạch là 94.325 tấn, đạt 54% so với kế hoạch. Cá tra đã có đóng góp quan trọng vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của thành phố, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đạt 237,5 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ”. Cần Thơ có 33 vùng nuôi của các doanh nghiệp và cơ sở nuôi tham gia cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, thời gian qua đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản và tuân thủ các quy định của pháp luật về lĩnh vực thủy sản. Thường xuyên rà soát, kiểm tra để cấp mới và tái cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi, vùng nuôi đáp các ứng yêu cầu theo quy định, cũng như kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm.
Theo Chi cục Thủy sản tại các tỉnh vùng ÐBSCL, thời gian qua các địa phương cũng tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các tỉnh có nhiều vùng nuôi phục vụ cung cấp nguyên liệu xuất khẩu đi Hoa Kỳ như Ðồng Tháp, An Giang… Hiện số vùng nuôi tham gia cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu đi Hoa Kỳ tại tỉnh Ðồng Tháp là 66 vùng nuôi, tỉnh An Giang có 12 vùng nuôi, Bến Tre 11 vùng nuôi, Sóc Trăng 8 vùng nuôi, Long An 5 vùng nuôi, Vĩnh Long 4 vùng nuôi, Trà Vinh 2 vùng nuôi và Tiền Giang 1 vùng nuôi.
Ðể thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi cá tra và chuẩn bị đón Ðoàn thanh tra của FSIS, Cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tập huấn “Hướng dẫn thẩm định, giám sát và chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi” tại TP Cần Thơ. Các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên của các cơ quan quản lý thủy sản địa phương cùng các cơ sở, doanh nghiệp nuôi thủy sản tại các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đã hướng dẫn thực hiện các yêu cầu đối với cơ sở nuôi cá da trơn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Ðồng thời, cập nhật các thông tin, quy định mới về và kết quả rà soát, kiểm tra của các cơ quan chức năng về điều kiện các cơ sở nuôi trên địa bàn các tỉnh, thành vùng ÐBSCL, cũng như hướng dẫn khắc phục khó khăn, hạn chế và sai lỗi.
Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, qua kiểm tra cho thấy, các trang trại, vùng nuôi của doanh nghiệp thực hiện quản lý rất tốt trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, kỹ thuật nuôi, ao nuôi. Tuy nhiên, tại cơ sở nuôi nhỏ lẻ vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðặc biệt, hiện cá tra giảm thấp, dẫn đến người dân có tâm lý lơ là trong việc chăm sóc cá, một số hộ nuôi cũng có sự chủ quan trong khâu kiểm tra, quản lý vùng nuôi. Ngành chức năng tại các địa phương cần quan tâm kiểm tra, hướng dẫn người dân trong quản lý vùng nuôi, tránh sự chủ quan lơ là. Song song đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cần liên kết, phối hợp chặt chẽ với các hộ nuôi và các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng để đảm vùng nuôi đạt chuẩn.