Bộ Thông tin và Truyền thông vừa chính thức gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính đưa ngành kinh doanh game online ra khỏi danh mục dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra chiều 6/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết ngành game của Việt Nam hiện vẫn còn rất non trẻ với doanh thu nhỏ, vì vậy, nên có chính sách hỗ trợ ngành này phát triển, thay vì áp dụng mức Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, Bộ Tài chính xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó đề xuất bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý”.
Theo đó, Bộ Tài chính xếp game online nằm chung danh mục với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, thuốc lá điện tử.
Một trong những nguyên nhân được cơ quan soạn thảo đưa ra là loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ. Do vậy, ngành này là đối tượng cần chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết Bộ đã chính thức gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính đưa ngành kinh doanh game online ra khỏi danh mục dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông, ngành game là ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0.
“Ngành game ở đây không phải là ngành chơi game. Rất nhiều người đã có lầm tưởng, định kiến như vậy về ngành này. Ngành game là hệ sinh thái sản xuất game, phát hành game và các hoạt động liên quan đến game. Ở nhiều nước, game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0” – ông Lê Quang Tự Do nói.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm: “Ở Việt Nam, ngành game rất non trẻ, giá trị giá trị doanh thu nhỏ, chỉ khoảng 600 triệu USD. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ phát triển ngành này. Nếu tăng thuế và siết chặt thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển hoạt động ra nước ngoài và sẽ cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam. Việc ngăn chặn game lậu, xuyên biên giới còn rất khó khăn do tính “phẳng”, không biên giới của internet”.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), phối hợp với các doanh nghiệp và Liên đoàn Thương mại – công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị về vấn đề này, trong đó nêu quan điểm rất rõ ràng.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định: “Bộ TT&TT rất quan tâm và muốn phát triển ngành game và có những chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này. Khi chúng ta chưa có chính sách ưu đãi thì không nên áp thuế”.