“Xứ Đông có Cổ Am, xứ Nam có Hành Thiện”, câu ca xưa nói về hai làng nổi tiếng ở Đồng bằng Bắc Bộ sinh ra nhiều bậc hiền nhân. Làng Cổ Am nay là xã Cổ Am, thuộc huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) còn là cái nôi của phong trào cách mạng, nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện.
“Muốn đỗ đạt cao, hãy vào làng Cổ”
Xứ Nam là trấn Sơn Nam xưa, nay là 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Làng Hành Thiện nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định xưa nay vốn nổi tiếng về truyền thống hiếu học, là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Hành Thiện là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều nhà hoạt động cách mạng xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta.
Xứ Đông là trấn Hải Đông xưa, ở phía Đông Thăng Long, nay thuộc các địa phương: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình.
Cổ Am (thường gọi là làng Cổ) là quê hương của cụ Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều bậc khoa bảng đỗ đạt cao ở mọi thời đại; tiêu biểu có cụ Trần Lương Bật đỗ tiến sĩ năm 1664, đời Hậu Lê, làm đến chức Hữu thị lang bộ binh, khi mất còn được truy phong chức Tả thị lang; cụ Trần Công Hân đỗ tiến sĩ năm 1733, thời Hậu Lê, giữ chức Đãi chế Viện Hàn lâm, đi dẹp giặc bị tử trận, được truy phong Đông Các Đại học sĩ…
Một buổi sinh hoạt chi bộ của Chi bộ 5 được tổ chức tại đình Hà (Cổ Am). Ảnh: DƯƠNG THỊ BÍCH |
Trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhiều người Cổ Am tiếp tục thành đạt trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trên văn đàn, Cổ Am có hai anh em là Trần Tiêu và Trần Khánh Dư (tức Khái Hưng trong Tự Lực văn đoàn, tác giả của hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Hồn bướm mơ tiên” và “Nửa chừng xuân”). Trong lĩnh vực nghệ thuật, có Giáo sư Trần Bảng, nhà nghiên cứu chèo nổi tiếng, nghệ sĩ Trần Lực… Trong lĩnh vực toán học, có Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Trong lĩnh vực lịch sử, có Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phương, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trong lĩnh vực y học, có Tiến sĩ Trần Trọng Hải, được Viện Hàn lâm khoa học New York (Mỹ) bầu làm viện sĩ…
Nhiều người ngạc nhiên bởi Cổ Am là xã thuộc “vùng sâu, vùng xa” nhất của Hải Phòng (không kể các xã hải đảo) vậy mà có khá nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Chỉ tính riêng những người quê Cổ Am được công nhận là viện sĩ, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đã tới gần 200.
Lý giải về câu ca “Muốn đỗ đạt cao, hãy vào làng Cổ”, nhiều người cho rằng, đó là do phong thủy, nhưng theo phân tích của đồng chí Đào Nguyên Cự, Bí thư Đảng ủy xã thì sự đỗ đạt của con cháu trong làng được bắt nguồn từ truyền thống hiếu học. Làng Cổ xưa kia đất chật, người đông, “chiêm khê, mùa thối”, nên các gia đình đều cố gắng động viên con cháu học hành, thi cử để làm quan, làm nghề dạy học hoặc đi lập nghiệp ở phương xa. Năm 1946, Cổ Am vinh dự được Bác Hồ tặng thư khen và ảnh Bác về thành tích “diệt giặc đói, giặc dốt”. Hiện nay, Cổ Am vẫn duy trì một phong tục đẹp, đó là trọng người có học hơn người giàu sang, người có quyền cao, chức trọng. Các gia đình thường không khoe chức vụ, sự giàu sang của con cháu mà khoe học hàm, học vị. Hội Khuyến học của xã còn ra đời trước Hội Khuyến học Việt Nam. Hầu hết các dòng họ trong xã đều có quỹ khuyến học. Con cháu học giỏi đều được khen thưởng từ dòng họ đến xóm, thôn, xã…
Nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Vĩnh Bảo
Ngày 8-8-1938, tại nhà riêng của đảng viên Trịnh Khắc Dần ở xóm 1, xã Cổ Am có sự tham dự của Ủy viên Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Hải Dương (khi đó Vĩnh Bảo thuộc tỉnh Hải Dương), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Cổ Am được thành lập với 3 đảng viên đầu tiên là Trịnh Khắc Dần, Đào Trọng Khoan và Nguyễn Văn Ước. Trong đó có hai đảng viên Trịnh Khắc Dần và Đào Trọng Khoan là người Cổ Am. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo và cũng là tiền thân của Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo ngày nay.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào cách mạng của Cổ Am và Vĩnh Bảo phát triển rộng khắp. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, du kích Cổ Am đã tham gia nhiều trận đánh bằng vũ khí tự tạo và vũ khí lấy được của địch. Trong đó có trận nổi tiếng là giả làm phụ nữ đi chợ Nam Am rồi bất ngờ dùng đòn gánh đánh lính Âu-Phi, cướp súng của địch. Nhiều người dân trong vùng vẫn còn nhớ bài thơ cảnh cáo giặc Pháp lúc đó: “Du kích Cổ Am giỏi lắm thay/ Giả làm phụ nữ giữa ban ngày/ Đòn gánh đánh Tây ngay tại chợ/ Giặc kia muốn sống, phải cút ngay”.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cổ Am luôn là lá cờ đầu của Phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” của huyện Vĩnh Bảo. Hầu như tất cả gia đình trong xã đều có người đi bộ đội, trong đó 15 gia đình có từ 3 đến 5 người con đi bộ đội; 13 gia đình có hai người con liệt sĩ. Trong xã có 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, có 3 chị em ruột là cụ Đào Thị Nhữ, Đào Thị Như, Đào Thị Tỉu đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cả 3 cụ đều có hai người con là liệt sĩ. Cổ Am cũng là xã đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo được đón danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
ĐỖ PHÚ THỌ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.