Hiệu ứng tích cực là ngay sau khi ra mắt cuốn sách, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), một số doanh nghiệp ở địa bàn huyện Sóc Sơn như Công ty TNHH Toàn Năng, Thanh Bình, Cường Lợi và Hội hoa nhài Phù Lỗ đã tự nguyện đóng góp 172 triệu đồng để bày tỏ tấm lòng tri ân và tôn vinh 43 nhân vật lịch sử được nêu tên trong cuốn sách, mỗi suất 4 triệu đồng.
Dư âm của cuốn sách “Theo dấu chân Phù Đổng” không chỉ dừng lại trong huyện mà còn lan tỏa ra các tỉnh bạn và giáo dân theo đạo Thiên chúa giáo… Trong 43 nhân vật lịch sử được nêu tên trong sách, có trường hợp khá đặc biệt. Đó là bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn 1, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là thân nhân của liệt sĩ Phùng Thị Bích Phụng – cô giáo lấy thân mình chắn bom bi cho học sinh thời chống Mỹ ở Trường Tiểu học xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) và anh dũng hy sinh. Do người thân của liệt sĩ Phụng ở xa nên Ban tổ chức đã lần tìm địa chỉ để gửi quà tri ân tới tận tay bà Hạnh trước sự cảm động của gia đình, dòng họ và địa phương xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại xứ đạo Lập Trí (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) có nhân vật Maria Bùi Thị Lịch được nhắc tới trong bài viết “Mẹ mãi là mẹ của chúng con”. Mẹ Lịch là người theo Công giáo toàn tòng. Sau khi đến huyện nhận quà tri ân, con dâu của mẹ Lịch đã thưa lại câu chuyện với trưởng họ và trưởng họ đã quyết định trong ngày giỗ của mẹ Maria Bùi Thị Lịch năm đó (24-7-2022), các con, cháu, chắt tập trung để lắng nghe trưởng họ đọc bài “Mẹ mãi là mẹ của chúng con” in trong cuốn sách “Theo dấu chân Phù Đổng”, nguyện noi gương mẹ, nêu cao lối sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Ðồng hành cùng dân tộc” của người Công giáo luôn “Kính Chúa yêu nước”, “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Cuốn sách “Theo dấu chân Phù Đổng” đã tạo được hiệu ứng xã hội tích cực và được các gia đình có người thân là liệt sĩ có tên trong sách coi như kỷ vật thiêng liêng tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh vì dân, vì nước.