Ngay từ khi con người chưa thể luyện kim sắt từ quặng tự nhiên, các tạo vật bằng sắt đã xuất hiện trong hồ sơ khảo cổ. Những vật này thực sự có nguồn gốc ngoài Trái đất, ngay cả khi không phải là người ngoài hành tinh từ thời cổ đại đến thăm Hành tinh xanh.
Chúng được làm từ các mảnh sắt rơi xuống Trái đất dưới dạng thiên thạch. Sắt thiên thạch đã được người tiền sử sử dụng ở nhiều vùng trên thế giới. Những tạo vật như kiếm lễ, tượng nhỏ hay trang sức làm từ sắt thiên thạch được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Syria, Iraq, Lebanon, Indonesia, Iran, Canada, Greenland, Nga, Trung Quốc và Bắc Phi. Một bộ sưu tập hạt sắt được tìm thấy trong một ngôi mộ có tuổi đời 6.000 năm đã xuất hiện trước thời kỳ đồ sắt của Ai Cập tới 2.000 năm.
Ở Trung Âu và Tây Âu, cho tới nay chỉ có hai tạo vật khảo cổ có nguồn gốc thiên thạch được biết đến cho tới nay: 1 vòng đeo tay và 1 chiếc rìu từ Ba Lan.
Tuy nhiên, mới đây, nhóm nhà khảo cổ học và nhà địa chất đã phát hiện thêm một mũi tên có thể làm từ vật liệu từ thiên thạch. Nhóm nghiên cứu đã xác định thành phần hóa học của vật liệu được sử dụng – hợp kim sắt-niken-nhôm – nhờ sự kết hợp giữa hình ảnh kính hiển vi điện tử, tia X và phân tích bằng tia phóng xạ năng lượng cao, sau đó so sánh kết quả với các mẫu thiên thạch đã biết.
Mũi tên được phân tích là một phần trong một loạt mũi tên khác được làm từ đồng được tìm thấy hơn 100 năm trước tại di chỉ khảo cổ Mörigen ở Thụy Sĩ và hiện đang là một phần của bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Bern.
Di chỉ Mörigen, tàn tích thời kỳ đồ đồng muộn trước đây nằm gần bờ hồ, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu vì gần đó có một thiên thạch từng rơi xuống.
Thiên thạch Twannberg – gồm ba mảnh – là thiên thạch lớn nhất từng được tìm thấy ở Thụy Sĩ. Có khả năng một mảnh nhỏ hơn của thiên thạch này đã được phát hiện từ thời tiền sử và được sử dụng trong khu định cư gần đó để chế tạo mũi tên. Nhưng các tính chất hóa học không phù hợp.
Mở rộng tìm kiếm, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng nồng độ nickel và germani cho mũi tên Mörigen có sự tương đồng với thiên thạch Kaalijarv ở Estonia, một quốc gia ven Biển Baltic ở Bắc Âu.
Thiên thạch này đã rơi xuống cách đây khoảng 3.500 năm trong thời kỳ đồ đồng và tạo ra nhiều mảnh nhỏ. Việc khám phá và thu thập những mảnh sắt nhỏ như vậy xuất hiện có khả năng cao hơn so với việc khám phá những thiên thạch lớn bị chôn vùi.
Mối liên kết giữa Estonia và Thụy Sĩ cũng chứng tỏ sự tồn tại của một mạng lưới bao phủ châu Âu tiền sử, được sử dụng để giao dịch hàng hóa như hổ phách làm đá quý, đá silex để sản xuất công cụ và sắt thiên thạch. Các nhà nghiên cứu hiện đã hy vọng tìm thấy nhiều tạo vật có cùng nguồn gốc trong các bộ sưu tập khảo cổ khác.
(Forbes)(Nguồn: tienphong.vn)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ