Thế giới hoang dã vào tranh
Vượt qua 17 ứng viên xuất sắc ở vòng sơ khảo và chung khảo để giành giải thưởng ở hạng mục minh họa, họa sĩ Jeet Zdung (Nguyễn Tiến Dũng) trở thành người Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Yoto Carnegie diễn ra hồi tháng 6 vừa qua tại Trung tâm nghệ thuật Barbican (London, Anh).
Yoto Carnegie là giải thưởng thường niên của Vương quốc Anh được trao cho các tác phẩm xuất sắc dành cho giới trẻ, viết bằng tiếng Anh, với mục tiêu tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn thông qua việc đọc sách.
Tác phẩm mang vinh quang này về cho Jeet Zdung là loạt tranh truyện “Saving Sorya: Chang and the Sun Bear” (phiên bản tiếng Anh của “Chang hoang dã – Gấu” do NXB Pan Macmillan phát hành). Tác phẩm này được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của nhà bảo tồn Trang Nguyễn (founder của WildAct) cũng là đồng tác giả của bộ truyện, trong hình ảnh nhân vật Chang – cô gái trẻ có ước mơ cháy bỏng là trở thành nhà bảo tồn động vật hoang dã. Để cho ra đời những bức tranh phong cảnh sống động, Jeet Zdung đã dành nhiều thời gian vào rừng để nghiên cứu thực địa.
Đáng chú ý, các tác phẩm của Jeet Zdung nằm trong một phân nhánh của nghệ thuật được nhiều người biết đến trên thế giới nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam: Minh họa nghiên cứu khoa học về động thực vật hoang dã, hội họa chuyên về động vật hoang dã, hay những tiểu thuyết đồ họa về bảo tồn động vật hoang dã.
Mới đây, trong triển lãm “Đi vào hoang dã”, được tổ chức song song với các hội thảo quan trọng tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) Bình Định (kéo dài đến hết ngày 13-9), bên cạnh các tác phẩm của Jeet Zdung, người xem còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm rất thú vị của họa sĩ Đào Văn Hoàng cũng trong phân nhánh nghệ thuật này.
Nếu như các tác phẩm của Jeet Zdung mang đến cảm giác tươi trẻ, trong trẻo và có câu chuyện riêng, là cách nhìn của một họa sĩ hoạt động chủ yếu trong mảng sáng tác, viết, vẽ sách cho trẻ em thì những tác phẩm của Đào Văn Hoàng lại cho người xem cảm giác anh vẽ tỉ mỉ chính xác với mục đích khoa học nhiều hơn nhưng cũng đầy chất nghệ thuật. Mỗi tác phẩm của anh là kết quả của sự âm thầm quan sát, thậm chí “vật lộn sinh tử” để thực hiện.
Từ khi còn nhỏ, anh đã có sở thích ký họa lại những con thú ở Sở thú Sài Gòn. Lớn lên, anh đi khắp các khu rừng ở Đông Nam Á, trung tâm châu Phi và Nam Mỹ, phiêu lưu trong những vùng nhiệt đới. Anh lặng lẽ quan sát mẹ con hổ Đông Dương đang âu yếm nhau, một con lửng mật lớn vừa thò đầu khỏi hang, hay con thỏ Trường Sơn ép mình dưới gốc cây chờ đêm xuống… và kể lại câu chuyện về đời sống của chúng theo một cách riêng, tỉ mỉ, dịu dàng.
Mới mẻ, tiềm năng
Nếu như nhiếp ảnh về động vật hoang dã đã được nhiều người biết đến thì hội họa về thế giới này lại chưa được giới mỹ thuật cũng như công chúng Việt quan tâm nhiều.
Theo nền tảng nghệ thuật trực tuyến Hanoi Grapevine: Động vật luôn có một vị trí trong nghệ thuật từ thời Trung cổ, được coi là biểu tượng, thường xuất hiện trong các tác phẩm tôn giáo, đặc biệt là những phần minh họa bên lề cho các bản thảo viết tay. Đến thế kỷ XV, động vật mới bắt đầu được coi là đối tượng nghiêm túc của các nghệ sĩ và đã xuất hiện trong tác phẩm của nhiều tên tuổi lớn như Andrea Mantegna (1431 – 1506), Leonardo da Vinci (1452 – 1519) và Albrecht Dürer (1471 – 1528).
Một thế kỷ sau, các nghệ sĩ như Melchiord’Hondecoeter (1636 – 1695) đã lấp đầy những bức tranh sơn dầu khổng lồ với những loài chim kỳ lạ trong những cảnh quan kỳ lạ, cũng như những con gà đã thuần hóa hoặc những loài chim được trưng bày trong các bộ sưu tập tư nhân. Vào cuối thế kỷ XVI và XVII, nghệ thuật động vật hoang dã (Wildlife Art) đã phát triển. Những cuốn sách như Ornithologia của Francis Willughby, xuất bản năm 1676, đã truyền cảm hứng cho nhiều người theo sau…
Ở Việt Nam, phân nhánh nghệ thuật này vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự hấp dẫn và tiềm năng phát triển. Chẳng hạn với Jeet Zdung, hai cuốn tiểu thuyết hình ảnh “Chang hoang dã – Gấu” và “Chang hoang dã – Voi” của anh đã được NXB Kim Đồng phát hành tại Việt Nam và nhanh chóng được nhiều nhà xuất bản mua bản quyền để phát hành ở Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Nga và đạt nhiều giải thưởng uy tín. Tác phẩm dự triển lãm của Đào Văn Hoàng cũng thu hút sự quan tâm của giới sưu tầm, có giá khoảng 500 USD đến hơn 2.000 USD/bức.
Từ giải thưởng của Jeet Zdung đến triển lãm “Đi vào hoang dã”, người xem sẽ hiểu hơn về hội họa hoang dã. Bên cạnh đó, qua tác phẩm của mình, các nghệ sĩ muốn giới thiệu nhiều hơn về sự tồn tại của một nghề mà không phải ai cũng biết là có tồn tại ở Việt Nam – nghề bảo tồn động vật hoang dã.