Bữa trưa hào phóng
Mùi sả và bạc hà khiến tôi ngạc nhiên khi bước vào căn bếp nhỏ của một gia đình ở miền Trung Việt Nam và vị giác ngay lập tức cho tôi biết rằng, mình sắp được thưởng thức một bữa ăn tuyệt hảo.
Một nồi canh bí đỏ nóng từ từ trên bếp; bên trái tôi, một phụ nữ trung tuổi đang khéo léo cuộn những tấm bánh tráng thành những miếng chả giò.
Vô số đĩa rau, thịt thái hạt lựu và các loại thảo mộc tươi trong bếp của chị Đặng Thị Hảo mang lại cho thực khách cảm giác hào phóng và chu đáo khi chuẩn bị bữa ăn này.
Ông cố của chị Hảo từng là đầu bếp cung đình và bây giờ tôi sắp được nếm thử chính những công thức đã tồn tại qua nhiều thế hệ đó.
Ý nghĩa lịch sử ghi dấu ấn lên mọi thứ trên khắp Việt Nam và đặc biệt ở thành phố Huế, nơi tôi đang chờ ăn trưa trong một điểm đến đặc biệt vì vị trí kinh đô của nơi này trong quá khứ của đất nước.
Trước đây là cố đô của Việt Nam, Huế được coi là trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo của Việt Nam từ đầu những năm 1800 cho đến cuối triều đại nhà Nguyễn năm 1945.
Thành phố này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1993, và nếu dành ra vài ngày để khám phá, bạn sẽ phát hiện ra dòng sông Hương chảy qua thành phố được điểm xuyết bằng lăng mộ và chùa chiền. Tất cả đều đã tồn tại qua hàng thế kỷ.
Người dân địa phương tin rằng phong cảnh của dãy núi Ngự Bình, còn được gọi là “Bình phong Hoàng gia” và Hoàng thành gần đó, giống hình dạng của một con rồng.
Cách kể chuyện này hiện diện ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, và chính sự pha trộn giữa lịch sử, thần thoại và ẩm thực đã khiến tôi thực sự yêu thích Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phải thừa nhận rằng, Thái Lan hay Bali thường được du khách Úc quan tâm nhiều hơn thì Việt Nam chạy đua theo cách riêng của mình với nét độc đáo về văn hóa, hương vị và lịch sử. Huế là một trong số những điểm đến như vậy.
Thành phố này có những giá trị mà nơi khác không có được, chẳng hạn về sự tĩnh lặng, không nhộn nhịp như TP.HCM và đáng để dừng chân, đặc biệt nếu bạn đang đến thăm Đà Nẵng hoặc Hội An gần đó.
Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và tôi chọn khám phá đất nước thông qua chương trình của Intrepid, chi phí 1.950 đô la Úc trong 10 ngày, bao gồm hầu hết các bữa ăn và chỗ ở.
Hành trình đã cho tôi một bức ảnh tuyệt vời về Việt Nam, bắt đầu từ thủ đô Hà Nội, len lỏi qua Hội An (quê hương của những thợ may lụa nổi tiếng), Đồng bằng sông Cửu Long và kết thúc ở TP.HCM. Đây là chương trình tour ra khỏi nước Úc bán chạy nhất của công ty Intrepid vào thời điểm hiện tại.
Nhưng ấn tượng nhất là hành trình đến Huế trên một chuyến tàu đêm từ Hà Nội. Trên tàu, chúng tôi chọn ở trên một phòng gồm 6 người, với giá vé khoảng 500.000 đồng/người. Hành trình kéo dài khoảng 14 giờ, và sau một thời gian trên tàu, bạn sẽ quen với sự lắc lư và sức nghiến của toa tàu trên đường ray. Khi bạn ra khỏi Hà Nội, sẽ có nhiều cảnh quan khá ấn tượng hai bên đường để ngắm nhìn.
Hầu hết chúng tôi chỉ chợp mắt được vài tiếng, nhưng khi Duy, hướng dẫn viên du lịch hỏi liệu chúng tôi có muốn trải nghiệm một bữa ăn địa phương nấu tại nhà không, thì mọi người đều nhất trí “có” để nạp lại năng lượng.
So với các nền ẩm thực khác, đặc biệt là các vùng của châu Âu và Mỹ, món ăn Việt Nam tươi và nhẹ hơn, tập trung nhiều vào hương vị.
Bữa tiệc của chúng tôi bắt đầu với một loạt món khai vị: món canh bí đỏ truyền thống của Việt Nam, gỏi mít với nước cốt chanh tươi và ớt, chả giò tự làm.
Tiếp theo là món thịt heo kho tàu thơm ngon và món đậu phụ đựng trong niêu đất. Thịt gần như tan chảy trong miệng và bạn có thể nếm được vị gừng và tỏi tươi.
Sau nữa là thịt lợn bằm với cà chua, trang trí với hành lá và rau mùi, mà Duy giải thích là món ăn chủ yếu trên bàn ăn của các gia đình ở Việt Nam.
Canh chua ngọt cũng rất ngon, một biến thể của món canh chua truyền thống thường bao gồm hải sản, dứa và giá đỗ, cuối cùng là trái cây tươi tráng miệng.
Bên ngoài trời như thiêu như đốt và tôi cũng không từ chối một ly bia lạnh. Để nâng ly chúc mừng đúng cách, Duy dạy chúng tôi cụm từ tiếng Việt của câu “Một hai ba, dô”, về cơ bản có nghĩa là “một, hai, ba, chúc mừng”, với tiếng cụp ly hết sức quan trọng để kết thúc một bữa ăn khá hoành tráng.
Mong muốn quay trở lại
Sau bữa trưa, chúng tôi khám phá chùa Thiên Mụ, một cấu trúc hình bát giác cao 21 mét nhìn ra sông Hương.
Giống như Bali và Thái Lan, đi vòng quanh bằng xe tay ga là một trong những cách tốt nhất để ngắm nhìn Việt Nam, và đây là cách chúng tôi trải qua ngày thứ hai ở Huế. Thuê một chiếc sẽ có giá khoảng 150.000 đồng; chỉ cần chắc chắn rằng bạn có bảo hiểm du lịch đầy đủ.
Chúng tôi chạy thẳng đến Đại nội, nơi có nhưng pháo đài, cung điện nguy nga tráng lệ… Khám phá địa điểm này thật hấp dẫn và đáng giá nửa ngày, cộng với việc đi vào sáng sớm đồng nghĩa với ít đám đông hơn và xua tan cái nóng.
Điểm dừng tiếp theo của chúng tôi là lăng mộ của vua Tự Đức. Lăng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trong khu vực với những khu vườn xa hoa và các tác phẩm nghệ thuật, được thiết kế bởi chính vua trước khi ông qua đời.
Một ngày kết thúc với một bữa ăn ngon miệng khác, lần này là ở khu phố đêm Phú Hội của Huế. Tại đây, chúng tôi đã ăn ở nhà hàng Golden Rice, nơi tôi đã chi khoảng 250.000 đồng cho một suất bánh xèo vịt thơm ngon, bún gà cho bữa chính và thêm vài cốc bia để xả hơi qua đêm.
Ở khu phố Tây của Huế đầy quán bar và nhà hàng, đường phố trở nên sống động sau khi mặt trời lặn với ánh đèn neon và sự nhộn nhịp của khách du lịch. Đối với tôi, đó là phiên bản ít choáng ngợp hơn của các quận tương tự tại Bangkok và TP.HCM.
Nhìn chung, Việt Nam giống như một cuộc phiêu lưu lớn, và tôi nóng lòng muốn quay lại để khám phá thêm.
Rất may, việc bay đến Việt Nam cũng sắp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều với hãng hàng không giá rẻ lớn của đất nước này là Vietjet. Bắt đầu từ tháng 12 tới, Vietjet cũng sẽ khai thác các chuyến bay khứ hồi hàng ngày từ Melbourne và Sydney, trong khi Brisbane sẽ cung cấp ba chuyến bay khứ hồi mỗi tuần. Chắc chắn khi đó, du khách Úc sẽ đông đúc hơn ở đất nước có nhiều điểm đến hấp dẫn này.