Tính toán mức phí phù hợp 

Trước câu hỏi cơ sở nào để đề xuất thu phí hệ thống cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách; mức thu và nguồn thu này sử dụng vào mục đích gì, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy thông tin: Hiện nay, trên thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng, để đầu tư cho hạ tầng cần huy động rất nhiều phương thức, trong đó có phương pháp Nhà nước đầu tư xây cao tốc rồi thu phí để hoàn vốn. Theo đó, trong dự thảo Luật Đường bộ, cơ quan soạn thảo đề xuất thu phí tất cả cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết thêm, nếu tính toán sơ bộ đến năm 2025, nhu cầu đầu tư hạ tầng của nước ta hơn 900.000 tỷ đồng. Do vậy, khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc-đều là dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu giải pháp để đầu tư xong thu phí và hoàn vốn. Đồng thời, trong dự thảo Luật Đường bộ, Ban soạn thảo có đưa vào nội dung Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới. Song song đó có các tuyến quốc lộ, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc hoặc đi quốc lộ.

Về mức thu và mục đích thu, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, với mỗi dự án đều có đánh giá tác động, đánh giá lợi ích mang lại và khả năng chi trả của người dân. Trên cơ sở đó, mức phí sẽ được xây dựng một cách khoa học và có lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Với các tuyến cao tốc đang đầu tư cũng sẽ thực hiện theo chủ trương này. “Bộ GTVT sẽ tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc, như đi nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn… Từ các chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành, khai thác, lợi ích mang lại đó sẽ tính toán mức thu phí bảo đảm chi trả của người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay. Về mục đích sử dụng khoản thu, sau khi trừ đi chi phí thu phí, chi phí vận hành, khoản thu này sẽ nộp ngân sách, phục vụ đầu tư hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương.

 

Bộ Công Thương: Chu kỳ xem xét điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần là phù hợp

Liên quan tới cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, mới đây, Bộ Công Thương đưa ra một số phương án về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để lấy ý kiến. Trong đó có đề xuất, trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành (6 tháng).

Lý giải rõ hơn về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Việc quy định EVN có thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ở mức dưới 5% (cụ thể từ 3% đến dưới 5%) đã có từ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này nhằm bảo đảm mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Về chu kỳ điều chỉnh giá điện, do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý I-2022. Chi phí nhiên liệu Việt Nam nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, làm chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của EVN. EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện các năm 2022 và 2023 để bảo đảm có dòng tiền thanh toán việc mua điện từ các nhà máy điện, hỗ trợ cải thiện tình hình tài chính cho EVN. Với biến động thông số đầu vào (chủ yếu là giá nhiên liệu), kết quả tính toán cho thấy giá điện cần điều chỉnh tăng ở mức cao để bảo đảm cân đối tài chính và dòng tiền cho EVN.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN các năm 2022 và 2023, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến cần phải nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh giật cục (trên cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg), tránh gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và dự thảo quy định rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống còn 3 tháng/lần, việc này cũng phù hợp quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là EVN phải báo cáo tính toán giá điện cập nhật hằng quý.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý, do giá điện là mặt hàng quan trọng, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nên việc thực hiện điều chỉnh giá điện với mức độ, thời điểm điều chỉnh cần thiết phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, kinh tế và xã hội.

Trước tình trạng sạt lở đất tại một số khu vực trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, dấu hiệu để phát hiện và cảnh báo được những điểm sạt lở là khi thấy vết nứt, cây cối trên những sườn đồi, sườn núi nghiêng theo một hướng hay có những tiếng nổ trong lòng đất thể hiện vết nứt đang phát triển. Khi phát hiện những dấu hiệu này, người dân và các lực lượng ở địa phương cần theo dõi, nếu thấy nguy cơ lớn thì phải di dời.

 

VŨ DUNG

 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.