Có dịp về Hội An thưởng thức hải sản còn gì bằng. Mùa nào thức nấy, nhiều món được chế biến từ cá biển ngang đánh bắt vùng biển Cửa Đại mà níu chân du khách. Hè này, ngư dân lại được mùa cá chai, đem nướng, kho tiêu, nấu cháo… ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Những ngày giữa hạ, ngư dân làng chài Cửa Đại (TP.Hội An) lại bước vào mùa cá bãi ngang với những chuyến đi biển hàng ngày, chiều bắt đầu ra khơi, sau một đêm giăng lưới, sáng hôm sau đã về rồi. Những chuyến thuyền đầy tôm cá, đặc biệt là cá chai, chế biến món nào cũng ngon.
Cá chai sở hữu phần thân dẹp, đầu phình to, da màu nâu, xương cứng, thô ráp gồ ghề. Ðó là thành quả, niềm vui, là cơm áo và hạnh phúc của nhiều gia đình trong xóm chài.
Thời điểm này, những sạp cá trong các khu chợ biển, đâu đâu cũng thấy cá chai. Các hàng quán miệt biển rộn ràng đỏ lửa, đong đầy mùi hương cá chai nướng ngòn ngọt, dịu thơm.
Du khách lần đầu tiên thưởng thức cá chai nướng cứ tấm ta tấm tắc khen ngon với nhiều cung bậc: “Ngon ơi là ngon, ngon quá trời…”. Với tôi, một người miệt biển Hội An, bên cạnh cái ngon mà du khách đang xuýt xoa ấy chắc hẳn có cái “ngon” khác. Đó là cảm giác tự hào về đặc sản quê mình.
Cá chai có nhiều đạm, vitamin, khoáng chất… là thực phẩm bổ dưỡng có thể chế biến thành những món ăn ngon như nấu canh thơm cà, nấu cháo, kho tiêu… Vào mùa, cá chai nhiều nên mức giá mềm, cỡ 80.000 đồng/kg. Chừng đó đủ cho 4 – 5 người họp nhóm.
Nguyên tắc đầu tiên là cá phải tươi nguyên. Những con cá chai vừa đánh bắt từ biển lên được làm sạch, để ráo nước. Muốn cảm nhận được từng miếng thịt cá thơm ngon tự nhiên thì nướng “nguyên rin”.
Chỉ cần để nguyên con cá mà đem nướng trên bếp than hồng. Trong lúc nướng quệt một ít dầu ăn lên bề mặt ngoài của cá để không bị cháy khô. Lửa than đỏ vừa phải, đủ để hơi nóng “ăn sâu” trong thân cá, chín cả trong lẫn ngoài. Thi thoảng trở vỉ để cá chín đều. Khi cá chuyển sang màu vàng, mùi thơm bốc lên nưng nức đến “phổng mũi” là lúc cá vừa chín tới.
Bên cạnh lai rai chấm cùng muối ớt, dưa leo, cá chai nướng còn được cuốn với bánh tráng lề cùng cải cay, các loại rau thơm và không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất. Để đổi vị có thể nướng tẩm gia vị, dùng dao khứa dọc trên thân cá từng đường nhỏ để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt. Ướp cá với hỗn hợp tỏi, nghệ, tiêu giã nhuyễn, mắm muối, dầu ăn chừng mươi lăm phút.
Nhiều người còn tỉ mỉ độn một ít tỏi, nghệ vào bụng cá. Tiếp tục đặt vỉ lên nướng cá trên bếp. Thật khó mà cưỡng nổi mùi thơm khi cá vừa chín tới. Dĩa cá chai nướng bốc khói chỉ nhìn sắc màu hài hòa và nghe hương vị cũng đủ thấy khoái khẩu rồi. Từng con cá đang nóng, dùng tay xé ra từng miếng, chấm nhẹ muối ớt. Ngon đến khó nói nên lời.
Cá chai kho tiêu cũng rất hao cơm. Cá làm sạch cắt khúc, ướp với tiêu tỏi, nghệ tươi, củ nén hay hành giã nhuyễn, chút muối và nước mắm, đường, dầu phụng. Ướp càng lâu khi kho thịt cá săn cứng lại, thấm vị.
Kho liu riu trên lửa nhỏ, đến khi rặt lại tắt bếp. Múc cá ra dĩa, bới chén cơm nóng vừa thổi vừa thưởng thức. Bữa cơm quê dân dã, sẵn vườn có vạt rau lang hay rau muống, cắt vào làm thêm dĩa rau luộc chấm mắm cái ngon thôi rồi.
Người Hội An, đâu có ai lạ gì món cá chai nhưng vẫn không ngớt xuýt xoa khen. Riêng khách phương xa đến thăm biển Cửa Đại vào mùa hạ, khó cầm lòng trước mùi hương cá chai nướng. Chân đã rời xa nhưng lòng cứ thế “liêu xiêu” với vị ngòn ngọt, béo béo, mằn mặn, thơm ngon và đậm đà hương vị miệt biển.