Ngày 4/8, tờ Politico (Mỹ) dẫn nguồn tin cho hay nỗ lực của phương Tây nhằm đào tạo phi công Ukraine lái máy bay F-16 đang bị cản trở vì rào cản ngôn ngữ.
Các phi công Ukraine gặp nhiêu rào cản ngôn ngữ trong quá trình được huấn luyện để sử dụng máy bay chiến đấu F-16 – Ảnh: Những chiếc F-16 của Không quân Bồ Đào Nha và Romania tại căn cứ không quân Siauliai trong tập trận của NATO đầu tháng 7 vửa qua. (Nguồn: Getty Images) |
Theo một quan chức Mỹ và nguồn tin thân cận, một nhóm ban đầu gồm 8 phi công Ukraine thông thạo tiếng Anh đã sẵn sàng tham gia đào tạo sau khi một số nước châu Âu lập kế hoạch hướng dẫn chính thức và được Mỹ chấp thuận.
Tuy nhiên, “trình độ tiếng Anh vẫn là vấn đề nan giải” với 32 phi công còn lại tham gia chương trình hướng dẫn sử dụng máy bay chiến đấu F-16. Do đó, 20 người có trình độ cơ bản sẽ bắt đầu các khóa học ngôn ngữ ở Anh vào tháng này.
Trong nhiều tháng qua, Kiev đã nhiều lần yêu cầu phương Tây cung cấp F-16, lập luận rằng các máy bay chiến đấu này sẽ giúp nước này “xoay chuyển tình thế” trước với Nga.
Tuy nhiên, Washington không nhất trí với điều này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng F-16 sẽ có tác động hạn chế do sự hoạt động liên tục, rộng khắp của các hệ thống phòng không ở Ukraine.
Tuy nhiên, giữa tháng Năm vừa qua, Anh và Hà Lan đã công bố thành lập một “liên minh quốc tế” để giúp Ukraine mua máy bay chiến đấu F-16 với sự tham gia của 11 nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Mỹ.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chiến dịch đào tạo sẽ bắt đầu trong tháng này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba dự đoán lô máy bay tiêm kích đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào đầu năm sau.
Tuy nhiên, những nỗ lực đặt nền móng cho việc chuyển giao máy bay đã vấp phải một số trở ngại, khi có thông tin Mỹ và các đồng minh chưa thống nhất chính xác ai sẽ huấn luyện các phi công Ukraine, hoặc nơi đào tạo sẽ đặt tại đâu.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc chuyển giao F-16 cho Ukraine sẽ dẫn đến leo thang xung đột. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng cho rằng máy bay phản lực do Mỹ sản xuất có khả năng mang vũ khí hạt nhân.