Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành lập trường Cơ khí – Ôtô, tiến tới trở thành đại học vào năm 2025.
Ngày 5/8, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội công bố quyết định thành lập trường Cơ khí – Ôtô, trên cơ sở sáp nhập khoa Cơ khí và Công nghệ Ôtô. Đây là hai khoa có bề dày lịch sử, là đơn vị mũi nhọn trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Đây cũng là trường Cơ khí – Ôtô thuộc trường đại học đầu tiên trong cả nước. PGS.TS Hoàng Tiến Dũng, Trưởng khoa Cơ khí, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Cơ khí – Ôtô.
Các ngành thuộc trường Cơ khí – Ôtô gồm: Công nghệ kỹ thuật ôtô, Công nghệ kỹ thuật điện tử ôtô, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật khuôn mẫu, Robot và trí tuệ nhân tạo, Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp. Tổng chỉ tiêu năm nay của trường này là 1.350.
Như vậy đến nay, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có hai trường thành viên, gồm trường Ngoại ngữ – Du lịch (thành lập tháng 12/2021) và trường Cơ khí – Ôtô. Mục tiêu đến năm 2025, trường sẽ phát triển thành Đại học Công nghiệp Hà Nội với 3-5 trường thuộc, trực thuộc.
Hiện, cả nước có 6 đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và Bách khoa Hà Nội.
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành, những ngành này thuộc một hoặc một vài lĩnh vực. Trong khi đó, đại học đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực, gồm nhiều trường đại học và khoa thành viên. Để chuyển thành đại học, các trường cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho rằng phát triển thành đại học là cơ hội để đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị, tập trung nguồn lực để phát triển hiệu quả.
“Việc thành lập các trường trong trường đại học giúp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho từng đơn vị, thúc đẩy quyền tự chủ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên”, ông Thực nói.
Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện đào tạo 32.000 sinh viên, trong nhóm trường dẫn đầu về quy mô đào tạo của cả nước. Mỗi năm, trường tuyển trên 7.000-7.500 sinh viên đại học.