Hà NộiChị Mai, 30 tuổi, đột ngột sụt cân nhanh, căng thẳng, mất ngủ, bác sĩ chẩn đoán tăng sản xuất hormone tuyến giáp.
Sau sinh 5 tháng, chị Mai giảm 10 kg, còn 45 kg, nghĩ do nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, chị mệt mỏi kéo dài, sữa ít dần, cơ thể suy kiệt, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.
Ngày 4/8, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, cho biết hai mắt của chị Mai thâm quầng, trũng sâu, người gầy rộc, lo âu. Kết quả đo nhịp tim hơn 120 lần một phút, xét nghiệm hormone tuyến giáp F14 tăng gấp 4 lần chỉ số bình thường.
Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất nhiều hormone) nặng sau sinh. Người bệnh từng mắc bệnh viêm tuyến giáp bán cấp trước sinh, nhưng không kiểm tra khi mang thai, sau sinh. Theo bác sĩ Ngọc, chị Mai có thể mắc bệnh cường giáp từ giai đoạn mang thai mà không biết.
Chị Mai ngưng cho con bú, điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp (giúp tuyến giáp giảm tiết hormone) liều cao, các loại vitamin, điều trị giấc ngủ, giảm nhịp tim. Sau một tuần, các triệu chứng cải thiện, chị ngủ ngon giấc hơn.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo phụ nữ sau sinh có dấu hiệu mất ngủ, sụt cân nhanh, giảm tiết sữa, hồi hộp, nhịp tim nhanh nên tầm soát bệnh tuyến giáp. Phát hiện bệnh sớm giúp điều trị dễ dàng hơn. Thai phụ uống thuốc kháng giáp liều lượng phù hợp vẫn có thể cho con bú.
Rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp hoặc suy giáp) khi mang thai hoặc sau sinh thường gặp. Triệu chứng bao gồm nôn nghén nhiều, không hoặc chậm tăng cân, mệt mỏi, ăn ngủ kém, đánh trống ngực, thai chậm phát triển.
Người mẹ mắc bệnh cường giáp, con dễ suy dinh dưỡng, nguy cơ cường giáp cao. Cường giáp lúc mang thai còn là nguyên nhân gây sẩy thai, sinh non, tiền sản giật. Thai phụ mắc bệnh này không phát hiện kịp thời có thể suy kiệt, biến chứng suy tim, rối loạn nhịp tim.
Theo bác sĩ Ngọc, cường giáp khi mang thai không có chỉ định đình chỉ thai kỳ như nhiều thai phụ lầm tưởng. Thai phụ lo sợ dùng thuốc gây dị tật thai, ảnh hưởng tiết sữa, bỏ điều trị khiến bệnh nặng hơn, nguy hiểm cho bản thân và thai nhi. Thai phụ nên khám bác sĩ chuyên khoa để được điều chỉnh thuốc phù hợp theo từng giai đoạn.
Thanh Ba
* Tên người bệnh đã được thay đổi.
Độc giả có thể đặt câu hỏi về các bệnh nội tiết – đái tháo đường tại đây để được bác sĩ giải đáp.