Đã khá lâu Việt Nam không có một sự kiện âm nhạc với những tên tuổi lớn tầm cỡ thế giới theo đúng nghĩa concert riêng của một nghệ sĩ. Khi nhóm nhạc nữ Hàn Quốc nổi tiếng toàn cầu Blackpink quyết định tổ chức 2 đêm nhạc tại Hà Nội vào cuối tháng 7, cộng đồng mạng Việt Nam đã thực sự “dậy sóng”.
Thành viên Blackpink đội nón lá được fan Việt tặng. Ảnh: Twitter Fan Blackpink
Với người hâm mộ, đó là cơ hội được nhìn thấy thần tượng. Với người quan tâm tới nền công nghiệp giải trí và nền kinh tế, đó là một “phép thử” đánh giá triển vọng của các concert âm nhạc tại Việt Nam: Liệu cơ chế có đủ thông thoáng cho các sự kiện diễn ra? Liệu khâu tổ chức có đảm bảo chất lượng để những nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam? Liệu sức chi của người hâm mộ có đủ lớn để lấp đầy các stadium concert (đêm nhạc diễn ra tại sân vận động) với sức chứa lên tới 40.000-50.000 người?
Tất cả những câu hỏi trên dường như đều đã có lời giải sau 2 đêm nhạc “Born Pink” của Blackpink. Khán giả trong nước khấp khởi niềm tin vào triển vọng cho các concert âm nhạc tại Việt Nam và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá – giải trí thực sự nhìn nhận đây có thể là con gà “đẻ trứng vàng” cho nền kinh tế.
Việt Nam đã sẵn sàng cho show quốc tế?
Thành công của 2 đêm nhạc “Born Pink” phần nào cho thấy, Việt Nam đã sẵn sàng hơn trong việc chào đón các ngôi sao quốc tế hàng đầu tới biểu diễn. Sự “sẵn sàng” của Việt Nam được thể hiện trong nhiều yếu tố: Hệ thống cơ sở vật chất – từ âm thanh ánh sáng cho đến sân khấu hiện đại, đã đáp ứng được nhu cầu của các đêm diễn chuyên nghiệp, sân vận động đủ lớn cho các stadium tour sức chứa hàng chục nghìn người, hệ thống khách sạn lưu trú và các dịch vụ đa dạng phục vụ du khách tới tham gia sự kiện, yếu tố an toàn được đề cao.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần vào thành công của sự kiện lần này là sự hợp tác nhanh chóng, thủ tục gọn gàng từ các đơn vị quản lý văn hoá. Kể từ khi thông báo đến khi sự kiện chính thức diễn ra chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng nhưng mọi vấn đề phát sinh trước thềm sự kiện đều được các Bộ, Ban, Ngành giải quyết gọn gàng, tạo niềm tin và sự ủng hộ trong công chúng.
Thư cảm ơn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh không chỉ là lời nhắn gửi đến nhóm nhạc Blackpink và người hâm mộ; đó còn là một tín hiệu cho thấy Việt Nam luôn hoan nghênh những nghệ sĩ lớn trên thế giới tới Việt Nam biểu diễn – một thông điệp về sự mến khách, chào đón, sẵn sàng hội nhập sâu rộng và phát triển công nghiệp văn hoá.
Sức chi của khán giả Việt mạnh hơn
Để một concert stadium có thể diễn ra, khả năng lấp đầy sân vận động là yếu tố quan trọng với nhiều nghệ sĩ. Không ai muốn nhìn thấy các khán đài thưa thớt người xem. Nhiều nghệ sĩ sẵn sàng huỷ show khi lượng khán giả tới xem quá ít so với kỳ vọng. Nói một cách đơn giản, khán giả phải đủ sức chi cho các concert quốc tế với những tấm vé vài chục triệu động, nghệ sĩ mới có động lực để mở đêm nhạc.
Đây vốn là một rào cản với nhiều nhà tổ chức khi muốn mời các ca sĩ lớn tới Việt Nam trình diễn. Kết quả của 2 đêm nhạc “Born Pink” như tiếp thêm niềm tin cho những đơn vị tổ chức sự kiện: Khán giả Việt Nam sẵn sàng chi mạnh tay cho các sự kiện âm nhạc chất lượng.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng yếu tố thời điểm rất quan trọng quyết định xem concert có bán được hết vé (sold-out) hay không. COVID-19 đã khiến các sự kiện âm nhạc bị đình trệ trên thế giới. Sau gần 3 năm, khán giả thoải mái chi mạnh tay để bù đắp cho giai đoạn trước. Bên cạnh đó, khi quá “đói” các sự kiện âm nhạc chất lượng trong nước, khán giả Việt sẵn sàng bỏ tiền đi xem các concert dù có phải người hâm mộ hay không. Trong thời gian tới, khi nhịp sống trở lại bình thường, các hoạt động âm nhạc giải trí diễn ra thường xuyên hơn, có lẽ khán giả sẽ cân nhắc kỹ hơn khi lựa chọn sự kiện tham gia.
Hy vọng cho ngành du lịch và công nghiệp giải trí
Làn sóng Hallyu đã không còn xa lạ trên thế giới. Từ những năm 1990s, chiến lược đưa văn hoá Hàn Quốc, từ phim ảnh, âm nhạc cho đến ẩm thực, ra toàn cầu đã được Hàn Quốc triển khai một cách bài bản. Chỉ sau hơn 30 năm, Hàn Quốc đã trở thành một cái cường quốc xuất khẩu văn hoá: Sự xuất hiện của những nhóm nhạc lớn vang danh toàn cầu, điện ảnh bước sang những trang mới, dù ở khía cạnh thương mại hay điện ảnh hàn lâm.
Theo ước tính, trong năm 2019, xuất khẩu văn hoá Hallyu mang về cho kinh tế Hàn Quốc khoảng 12,3 tỉ USD, trong đó nguồn doanh thu từ âm nhạc chiếm tỉ trọng cao nhất.
Sẽ là một chặng đường rất dài để văn hóa đương đại Việt Nam được công chúng thế giới biết đến nhiều hơn cũng như mang lại nguồn thu khổng lồ như Hàn Quốc. Việt Nam không có những Blackpink hay BTS mang về hàng tỉ USD cho Hàn Quốc nhưng rõ ràng, nguồn lợi từ các concert cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung không hề nhỏ. Chúng ta đã thấy bài học từ các sự kiện quốc tế như lễ hội pháo hoa thường niên thu hút khách du lịch tới Đà Nẵng, Nha Trang.
Concert của Blackpink là một minh chứng rõ nét hơn về nguồn lợi từ các sự kiện thể thao giải trí tầm cỡ thế giới. Theo trang thống kê Touring Data, 2 đêm concert của Blackpink mang lại doanh thu gần 150 tỉ đồng. 2 đêm nhạc với gần 70.000 khán giả cũng mang lại cho thành phố Hà Nội một lượng du khách lớn, giúp nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, hàng không phần nào khởi sắc.
Phải thực sự nhìn nhận các sự kiện âm nhạc tầm cỡ thế giới như một đòn bẩy kinh tế, ít nhất cho các địa phương, chứ không đơn thuần là những “chương trình văn nghệ” quy mô lớn. Sắp tới đây, khi Singapore đón nữ ca sĩ Taylor Swift trong World Tour của nữ ca sĩ tại châu Á, ước tính sẽ có khoảng gần 300.000 người tới sân vận động trong 3-4 đêm. Đây là con số khổng lồ cho ngành hàng không, du lịch, lưu trú hay bất cứ dịch vụ ăn theo nào tại Singapore khiến nhiều quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan phải ngưỡng mộ.
Du lịch âm nhạc (music tourism) đã và đang phát triển tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Văn hoá, bao gồm âm nhạc điện ảnh hay các lĩnh vực giải trí khác, và du lịch không thể tách rời nhau. Xu hướng du lịch kết hợp đi xem concert sẽ đem đến nhiều nguồn lợi cho cả ngành giải trí lẫn du lịch và cần được đánh giá một cách nghiêm túc nếu Việt Nam không muốn bị bỏ lại phía sau.
Laodong.vn