Các đợt chốt lời tiếp tục xuất hiện trong phiên cuối tuần và độ rộng cho thấy cổ phiếu giảm giá vẫn vượt trội. Biên độ lợi nhuận tốt trong ngắn hạn đang khuyến khích nhà đầu tư bán ra nhiều hơn, trong khi bên mua lại chờ đợi. Thanh khoản ngày cuối tuần trên hai sàn niêm yết giảm tới 35% so với phiên trước và xuống mức thấp nhất 6 phiên…
Các đợt chốt lời tiếp tục xuất hiện trong phiên cuối tuần và độ rộng cho thấy cổ phiếu giảm giá vẫn vượt trội. Biên độ lợi nhuận tốt trong ngắn hạn đang khuyến khích nhà đầu tư bán ra nhiều hơn, trong khi bên mua lại chờ đợi. Thanh khoản ngày cuối tuần trên hai sàn niêm yết giảm tới 35% so với phiên trước và xuống mức thấp nhất 6 phiên.
VN-Index đóng cửa giảm 0,11% so với tham chiếu, tương đương -1,2 điểm. Tuy mức giảm không nhiều nhưng tuần này hầu như mức tăng chỉ mạnh ở phiên ngày thứ Hai (+14,64 điểm) còn lại các phiên tăng yếu, chủ đạo là giảm. Kết tuần chỉ số chỉ tăng nhẹ 5,07 điểm so với tuần trước, một diễn biến không thật sự xứng đáng với thông tin giảm lãi suất.
Một điểm bất lợi của chỉ số là các blue-chips bị chốt lời nhiều hơn và những ngày cuối tuần khá yếu. Thống kê với cổ phiếu trong rổ VN30 tính chung cả tuần, chỉ có 16/30 mã là tăng giá so với mức đóng cửa hôm thứ Sáu tuần trước. Trong 16 mã này, chỉ 12 mã là tăng hơn 1%, mức tăng từ 2% trở lên chỉ có 6 mã. Như vậy một tuần giao dịch biên lợi nhuận nếu nắm giữ trọn vẹn tuần ở nhóm này là quá thấp.
Các cổ phiếu blue-chips có đặc điểm thanh khoản cao, tập hợp nhiều nhà đầu tư lớn, nên hoạt động giao dịch thận trọng hơn nhiều so với các cổ phiếu đầu cơ nhỏ, vốn có thể được một nhóm nhà đầu tư giữa giá với chi phí thấp. Hôm nay 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất cũng toàn là mã thuộc rổ VN30, dẫn đầu là VCB giảm 1,32%, VHM giảm 0,98%, BID giảm 0,76%, HPG giảm 1,4%. Độ rộng của VN30 ghi nhận 12 mã tăng/14 mã giảm và chỉ số chỉ tăng 0,02 điểm. Vẫn còn GVR, SSI, MSN, VNM, SHB tăng bù trừ phần nào.
Với độ rộng chỉ còn 159 mã tăng/219 mã giảm, độ phân hóa khiến các nhóm ngành tăng giảm trái chiều và biên độ không đáng kể. Ngay cả nhóm chứng khoán với 3 mã kịch trần và cả loạt cổ phiếu tăng hơn 2% thì vẫn có số khác giảm mạnh. Điểm tích cực là nhóm dẫn dắt vẫn tốt: SSI tăng 2,97%, VCI tăng 2,97%, VND tăng 0,96%, HCM tăng 1,75%. Trong đó SSI và VND đứng trong Top 3 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường, SSI còn dẫn đầu với 559,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu bất động sản hôm nay cũng nhiều mã tốt đơn lẻ, dù chỉ số đại diện VNREAL giảm 0,21%. DIG tăng kịch trần 6,92% với thanh khoản 462,2 tỷ đồng, lớn thứ 2 thị trường. Cổ phiếu này trong 5 phiên vừa qua tăng 25,9% và nhịp tăng 19 phiên từ đáy tháng 3/2023 tăng 54,6%. DXG cũng thanh khoản cao 251,7 tỷ đồng lọt trong Top 10 và giá tăng 3,82%. NVL tăng 1,13%, HQC tăng 5,88% cũng là các mã thanh khoản khá cao. Tuy vậy bất động sản cũng giảm giá ở nhiều mã khá sâu như HAG, NBB, CIG, CLG…
Thực ra hiện tượng phân hóa là không mới, vì giá càng lên cao áp lực chốt lời sẽ càng lớn. Nhà đầu tư sẽ tự đánh giá rủi ro đến mức nào mà hiện thực hóa lợi nhuận từng mã. Do đó sức ép giao dịch sẽ khác nhau không thể đánh giá ở bình diện chung của thị trường. Hôm nay thanh khoản cũng giảm đáng kể tới 35% trên HoSE và HNX, trong đó HoSE giảm 36%. Thanh khoản giảm đều ở các nhóm cổ phiếu: VN30 giảm 37%, Midcap giảm 34%, Smallcap giảm 39%.
Từ góc độ chốt lời ngắn hạn thì thanh khoản giảm hôm nay cũng có yếu tố tích cực là lượng bán không quá nhiều. Dù vậy hôm nay không phải là phiên xả đầu tiên. Hôm qua giao dịch khớp lệnh hai sàn lên tới gần 17.000 tỷ đồng. Như vậy có thể một lượng lớn hàng đã thoát ra ngày hôm qua. Điều này đồng nghĩa với lượng lớn tiền đã được chuyển thành cổ phiếu. Vì vậy những phiên tới có thể thanh khoản còn tiếp tục giảm xuống nữa, vì người bán chưa có lý do gì để mua trở lại ngay lập tức.
Khối ngoại hôm nay bán ròng trên HoSE 158,5 tỷ đồng nâng mức bán ròng cả tuần này với riêng cổ phiếu sàn này lên 691 tỷ đồng. Như vậy khối này có hai tuần xả ròng liên tiếp, trong khi tiền mới vào quỹ Fubon ngày càng ít. Cả 3 phiên đầu tuần này quỹ Fubon không có một xu tiền mới!