“Trên bến dưới thuyền” không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế TP.HCM mà còn là nếp sống, là văn hóa, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá gắn với sông Sài Gòn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã khẳng định như vậy tại lễ khai mạc “Lễ hội Sông nướcTP.HCM lần thứ nhất năm 2023″ sáng 4-8, mở đầu cho sự kiện du lịch sông nước lớn nhất từ trước đến nay của thành phố.
Lễ hội Sông nước TP.HCM: Đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa
Lễ khai mạc diễn ra tại Cột cờ Thủ Ngữ (đường Tôn Đức Thắng, quận 1). Đây là một trong những biểu tượng của đô thị sông nước và cũng là một trong những nhân chứng của quá trình hình thành và phát triển Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM trong hàng trăm năm qua.
Sự kiện hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển của thành phố. Lễ hội đặc biệt hướng đến định vị TP.HCM gắn thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Theo chủ tịch UBND TP, lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 300 năm qua của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM có dấu ấn quan trọng của các dòng sông.
Dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng – bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM, một đô thị ven sông không chỉ gắn với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập.
Những dòng sông chảy vào lòng thành phố cũng ghi dấu ấn trong lịch sử của Sài Gòn – TP.HCM. Dọc theo sông là các di tích lịch sử cách mạng đặc biệt như Bến Nhà Rồng, Nhà máy đóng tàu Ba Son, Chiến khu Rừng Sác.
Nhiều hoạt động sôi nổi dịp Lễ hội Sông nước
Trong những ngày diễn ra lễ hội, bờ sông Sài Gòn sẽ rộn ràng các hoạt động tương tác dành cho người dân, du khách, trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy hay trải nghiệm không gian “trên bến dưới thuyền” tại kênh Nhiêu Lộc – quận 1, Bến Bình Đông – quận 8.
Nhiều hoạt động hấp dẫn tái hiện nếp sống của cộng đồng cư dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM qua các thời kỳ và mua sắm nông sản, đặc sản của các địa phương.
Người dân và du khách cũng có thể hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động thể thao dưới nước và không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở Bến Bạch Đằng, công viên Lam Sơn.
Điểm nhấn đặc sắc của lễ hội là chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” tối 6-8, tái hiện lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, từ âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch đến công nghệ ánh sáng cùng các công nghệ trình diễn hiện đại và sự tham gia của gần 700 diễn viên, nghệ nhân dân gian.
“Chương trình được kỳ vọng sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho thành phố cũng như truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến thành phố đến du khách trong nước và quốc tế”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cũng trong sáng 4-8, khu vực công viên Bến Bạch Đằng rộn ràng các hoạt động được tổ chức thành không gian di sản văn hóa đặc sắc, với nhiều hoạt động vui chơi như: trò chơi dân gian nhảy sạp, nhảy bao bố, đi cà kheo, gánh nước qua cầu, cờ tướng, trưng bày và hướng dẫn làm diều nghệ thuật… Rất nhiều du khách quốc tế tình cờ đi ngang qua và thích thú tham gia.